Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ lên kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 lần đầu, chứng khoán châu Á tăng kỷ lục

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phiếu tại thị trường châu Á tăng mạnh trong phiên ngày 23/11 nhờ hy vọng về vaccine ngừa Covid-19 đã thúc đẩy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư.

Trong phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) leo dốc 0,71% và vượt mức cao kỷ lục đạt được trong phiên ngày thứ Sáu tuần trước (20/11).
Yếu tố chính tạo lực đẩy cho thị trường cổ phiếu châu Á là thông tin một quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ phụ trách về phát triển vaccine ngừa Covid-19 ngày 22/11 cho hay những liều vaccien đầu tiên có thể được cung cấp cho các nhân viên y tế và những nhóm dễ tổn thương khác vào giữa tháng 12 năm nay.
 Chứng khoán châu Á tăng mạnh trong phiên thứ Hai.
"Kế hoạch của chúng tôi là có thể chuyển vaccine đến các điểm tiêm chủng trong vòng 24 giờ sau khi được phê duyệt, vì thế tôi hy vọng những người Mỹ đầu tiên sẽ được tiêm chủng vào ngày 11 hoặc 12/12", Moncef Slaoui, người đứng đầu nỗ lực phát triển vaccine Covid-19 của chính phủ Mỹ, cho biết hôm 22/11.
Trước đó, hôm 20/11, hãng dược phẩm Pfizer đã trình đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép sử dụng khẩn cấp ứng viên vaccine Covid-19 do hãng này phát triển và ủy ban tư vấn vaccine của FDA dự kiến nhóm họp vào ngày 10/12.
Ông Slaoui cho hay điều đó có nghĩa là nếu được FDA cấp phép, vaccine Covid-19 của Pfizer có thể được đưa vào sử dụng ngay ngày hôm sau. Theo ông Slaoui,  theo kế hoạch, ít nhất 70% dân Mỹ sẽ được tiêm chủng vào tháng 5 để cuộc sống quay lại bình thường.
Bất chấp tỷ lệ lây lan dịch Covid-19 đang tăng mạnh tại Mỹ, dự báo tích cực về vaccine đã làm dấy lên hy vọng rằng các lệnh phong tỏa và biện pháp hạn chế làm tê liệt nền kinh tế toàn cầu có thể sắp kết thúc.
“Với việc xin cấp phép vaccine đang được triển khai, cùng với kỳ vọng có thêm các gói hỗ trợ mới từ các ngân hàng trung ương và chính phủ, nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ sớm phục hồi”-  ông Michael McCarthy, chiến lược gia thị trường trưởng tại CMC Markets ở Sydney, nhận xét.
Tại các thị trường khác, chỉ số Kospi của Seoul cũng tăng hơn 1,83% nhờ triển vọng báo cáo thu nhập tích cực của các công ty sản xuất chip tại Hàn Quốc.
Thị trường Nhật Bản đóng cửa nghỉ lễ, song chỉ số Nikkei 225 tương lai cộng 0,27%. Chỉ số S&P/ASX 200 tại thị trường Australia nhích 0,34% sau khi nước này nới lỏng một số hạn chế đi lại để ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số cổ phiếu blue-chipcũng tăng 1,54%.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán thế giới trong dài hạn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ tâm lý lo ngại về tác động của đại dịch và sự không chắc chắn về gói kích thích tài khóa mới của Mỹ.
Hồi giữa tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố ông sẽ không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sau ngày 31/12. Hiện tại, chương trình này đang sử dụng ngân sách từ Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) với tổng trị giá 2.200 tỷ USD, vốn được ban hành tháng 3 để cứu nền kinh tế Mỹ.
Điều này khiến chính quyền của Tổng thống Donald Trump mâu thuẫn với FED và có khả năng gây căng thẳng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới. 
Trong khi đó, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp tại Mỹ với tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt 12 triệu ca và hơn 255.000 người tử vong.

Ngoài tác động của chính sách phong tỏa vì đại dịch, một yếu tố hạn chế  đà đi lên của các thị trường chứng khoán trong thời gian sắp tới là tâm lý lo ngại về việc Chính phủ Mỹ vẫn trì hoãn đưa ra gói kích thích mới để thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới./.