Mỹ siết xuất khẩu chip, doanh nghiệp công nghệ “lãnh đòn”
Kinhtedothi - Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip mới của Tổng thống Donald Trump đã giáng một đòn mạnh vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã mở rộng các hạn chế xuất khẩu đối với nhiều loại chip máy tính công suất cao. Động thái này được cho là sự tiếp nối và leo thang của các biện pháp kiểm soát thương mại toàn diện do cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng, nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Bắc Kinh cho cả mục đích thương mại và quân sự.
Tuy nhiên, chính các công ty Mỹ lại phải trả giá đắt. Những “gã khổng lồ” như Nvidia và AMD đang phải đối mặt với tổn thất hàng tỷ USD, trong khi thị trường chứng khoán công nghệ rung chuyển bởi sự bất ổn từ cuộc chiến thương mại không khoan nhượng.
"Cú sốc" tỷ USD
Nvidia, cái tên tiên phong trong lĩnh vực chip AI, đã công bố khoản lỗ dự kiến lên tới 5,5 tỷ USD do không thể xuất khẩu chip H20 sang Trung Quốc mà không có giấy phép đặc biệt. Đáng chú ý, chip H20 được thiết kế riêng để tuân thủ các hạn chế xuất khẩu trước đó của chính quyền Tổng thống Biden, với hiệu suất thấp hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường Trung Quốc.
Theo ước tính, dòng chip này đã đem lại cho Nvidia doanh thu từ 12 đến 15 tỷ đô la Mỹ trong năm qua, chiếm khoảng 13% tổng doanh thu của công ty từ thị trường Trung Quốc. Với lệnh cấm mới, Nvidia buộc phải xóa sổ lượng lớn chip tồn kho, đồng thời đối mặt với yêu cầu cấp phép nghiêm ngặt hơn khi xuất khẩu sản phẩm của mình sang các quốc gia bị nghi ngờ là “cửa sau” cung cấp chip cho Trung Quốc.
AMD, một cái tên lớn khác trong ngành bán dẫn, cũng không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng. Công ty này dự kiến ghi nhận mức thiệt hại lên tới 800 triệu USD liên quan đến dòng chip MI308, với cổ phiếu giảm mạnh 7,4% trong phiên giao dịch sáng 16/4. Các hạn chế mới không chỉ gây áp lực tài chính mà còn làm gia tăng sự bất ổn trong chiến lược kinh doanh của công ty này tại thị trường Trung Quốc, nơi chiếm hơn 24% doanh thu của AMD trong năm ngoái.

Thương chiến với Trung Quốc khiến những “gã khổng lồ” ngành bán dẫn Mỹ đối mặt với tổn thất hàng tỷ USD. Ảnh: EPA
Ngoài Nvidia và AMD, các công ty liên quan đến chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền. ASML, nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hàng đầu của Hà Lan, ghi nhận kết quả tài chính đáng thất vọng với doanh số và đơn đặt hàng đều không đạt kỳ vọng. Christophe Fouquet, Giám đốc điều hành của ASML, cho biết các chính sách thuế quan của Tổng thống Trump tạo ra “sự bất ổn mới”, làm giảm nhu cầu và buộc công ty phải điều chỉnh dự báo tài chính. Cổ phiếu ASML đã giảm hơn 7%, kéo theo sự sụt giảm của các nhà cung cấp linh kiện bán dẫn khác như Applied Materials và Lam Research, với mức giảm khoảng 5%.
Sự bất ổn từ các chính sách thương mại của Tổng thống Trump đã lan tỏa khắp thị trường chứng khoán công nghệ. Cổ phiếu Nvidia mất gần 7%, tương đương hơn 148 tỷ USD giá trị thị trường trong một ngày. AMD, Micron Technology, Marvell Technology và Broadcom cũng chứng kiến mức giảm từ 2% đến 7%, trong khi quỹ giao dịch VanEck Semiconductor sụt hơn 4%. Tâm lý tiêu cực không dừng lại ở ngành chip mà còn ảnh hưởng đến các gã khổng lồ công nghệ khác như Meta, Apple, Amazon, Microsoft, Tesla và Alphabet, với mức giảm từ 2% đến 5%.
Ngành bán dẫn Mỹ "lung lay"?
Giới phân tích nhận định các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới là “dấu hiệu cảnh báo lớn” về rủi ro đối với sự tăng trưởng của ngành bán dẫn. Các chuyên gia Ed Mills và Srini Pajjuri từ ngân hàng đầu tư Raymond James dự đoán rằng, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục áp đặt các hạn chế đối với xuất khẩu thiết bị sản xuất chip trong vài tuần tới, làm gia tăng áp lực lên các công ty công nghệ. Trong khi đó, cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ về tác động của nhập khẩu chip đối với an ninh quốc gia có thể dẫn đến các mức thuế mới, đẩy chi phí của các nhà sản xuất chip trong nước lên hơn 1 tỷ USD mỗi năm.
ĐỌC NGAY: Boeing vào tâm bão thương chiến Mỹ - Trung
Trong khi các công ty Mỹ đang chật vật với tổn thất, những đối thủ từ Trung Quốc như Huawei có thể hưởng lợi từ khoảng trống mà lệnh cấm để lại. Nhà phân tích Stacy Rasgon từ công ty nghiên cứu và môi giới chứng khoán Bernstein Research cho rằng, hiệu suất thấp của chip H20 khiến nó dễ bị thay thế bởi các sản phẩm nội địa của Trung Quốc. Ông nhận định lệnh cấm từ Mỹ về cơ bản chỉ “trao thị trường AI của Trung Quốc cho Huawei”. Điều này đặt ra câu hỏi về hiệu quả lâu dài của các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, khi chúng có thể vô tình thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn nội địa của đất nước tỷ dân.
Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của Nvidia. Các nhà phân tích từ ngân hàng TD Cowen cho rằng, nhu cầu mạnh mẽ từ các khách hàng đám mây lớn và dòng hệ thống AI Blackwell mới sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng, bất chấp sự sụt giảm doanh thu từ Trung Quốc. Dù vậy, sự bất ổn địa chính trị và chính sách thương mại khó lường của Tổng thống Trump vẫn là bóng đen bao trùm ngành công nghệ.
Chính quyền Tổng thống Trump có thời hạn đến ngày 15/5 để quyết định liệu có tiếp tục khuôn khổ kiểm soát thương mại chất bán dẫn toàn diện của người tiền nhiệm Joe Biden hay không. Nếu tiếp tục, chỉ một số đồng minh thân cận của Mỹ mới được phép mua chip không giới hạn, trong khi phần lớn các quốc gia khác sẽ phải đối mặt với hạn ngạch hoặc lệnh cấm hoàn toàn. Điều này có thể làm thay đổi sâu sắc cấu trúc thương mại công nghệ toàn cầu.
Trong ngắn hạn, các công ty như Nvidia và AMD buộc phải điều chỉnh chiến lược để giảm thiểu thiệt hại. Nvidia đã công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD vào các máy chủ AI tại Mỹ trong 4 năm tới, một động thái được xem là nỗ lực xoa dịu Washington. Tuy nhiên, với các mức thuế mới và sự trả đũa từ Trung Quốc đang rình rập, ngành công nghệ bán dẫn vẫn khó có thể thấy "ánh sáng cuối đường hầm".

Kinh tế Mỹ đối mặt khó khăn từ nguy cơ suy giảm khách du lịch
Kinhtedothi - Ngành du lịch của Mỹ, một động lực kinh tế trị giá 2,36 nghìn tỷ USD, đang đối mặt với viễn cảnh u ám khi lượng khách quốc tế giảm mạnh, kéo theo nguy cơ thiệt hại hàng tỷ USD.

EU đứng giữa lựa chọn khó: khí đốt Nga hay LNG Mỹ?
Kinhtedothi - Trước áp lực chi phí và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều lãnh đạo công ty năng lượng lớn ở EU đã bắt đầu đề cập đến khả năng nhập khẩu trở lại khí đốt Nga, điều mà họ coi là "không tưởng" chỉ một năm trước.

Mỹ vươn lên dẫn đầu thế giới về năng lượng sạch
Kinhtedothi - Khi nhu cầu tiêu thụ điện suy giảm trong mùa Xuân, hệ thống điện tại Mỹ đang tiến gần tới thành tích mới khi sản lượng các nguồn năng lượng sạch dự kiến chiếm hơn 51% tổng sản lượng điện toàn quốc.