Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ tiết lộ tổn thất của Nga giữa lúc căng thẳng ở chảo lửa Bakhmut

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà Trắng cho hay Nga đã chịu tổn thất nặng nề ở vùng Donbass nên không thể chiếm thêm được phần lãnh thổ nào có ý nghĩa chiến lược.

Một xe tăng Nga bị phá hủy nằm bên vệ đường gần Kreminna, Ukraine ngày 24/3/2023. Ảnh: Reuters
Một xe tăng Nga bị phá hủy nằm bên vệ đường gần Kreminna, Ukraine ngày 24/3/2023. Ảnh: Reuters

Nhà Trắng cho rằng 20.000 binh sĩ Nga thiệt mạng và 80.000 người bị thương trong 5 tháng giao tranh ở Donbass, khu vực miền đông Ukraine.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói rằng Nga đã "cạn kiệt kho dự trữ quân sự và lực lượng vũ trang", và ước tính kể từ tháng 12/2022, Nga đã phải chịu hơn 100.000 thương vong, trong đó có hơn 20.000 người thiệt mạng trong chiến sự.

Ông Kirby lưu ý rằng "gần một nửa" số người thiệt mạng là các chiến binh của công ty quân sự tư nhân Nga Wagner.

Theo quan chức Nhà Trắng, những nỗ lực của quân đội Nga nhằm chiếm thành phố chiến lược Bakhmut, phía Đông khu vực Donbass gần như đã thất bại.

"Chiến dịch tiến công của Nga ở vùng Donbass, chủ yếu tập trung hướng Bakhmut, đã thất bại. Do vậy, Nga không thể chiếm thêm được phần lãnh thổ nào có ý nghĩa chiến lược" - tờ Dailymail dẫn phát biểu của ông Kirby trong cuộc họp báo ngày 1/5.

Về nguồn gốc của con số 100.000 thương vong, ông Kirby cho biết nó “dựa trên một số thông tin tình báo đã hạ cấp độ mà chúng tôi có thể thu thập được". Tuy nhiên, quan chức này từ chối cung cấp thông tin về thương vong của Ukraine, cho hay Mỹ "chưa bao giờ" cung cấp thông tin như vậy và sẽ để Ukraine giải quyết vấn đề này.

Ông Kirby nói người Ukraine “là nạn nhân" nên việc tiết lộ thông tin sẽ gây khó khăn cho Ukraine.

Hồi tháng 11 năm ngoái, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết Washington tin rằng Moscow đã chịu tổn thất 100.000 thương vong trong 8 tháng đầu tiên của cuộc xung đột.

Cả Nga và Ukraine chưa lên tiếng sau tiết lộ của Nhà Trắng. Hai nước này đều không công bố thống kê thương vong sau hơn một năm chiến sự.

Hôm 30/4 CNN đưa tin ông Yevgeny Prigozhin - người đứng đầu lực lượng quân sự bán tư nhân Wagner của Nga cảnh báo khả năng rút quân khỏi thành phố Bakhmut trong bối cảnh xung đột leo thang.

"Những người chịu trách nhiệm mua sắm vũ khí ở Nga đã ngừng cung cấp đạn dược cho chúng tôi" – ông Prigozhin nói với blogger quân sự Nga Semyon Pegov trong cuộc phỏng vấn công bố gần đây.

Cảnh báo trên của thủ lĩnh Wagner được cho là gửi tới các quan chức quốc phòng Nga, bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.

Ông Prigozhin nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi đang kêu gọi ông Sergei Shoigu cung cấp đạn dược ngay lập tức. Nếu yêu cầu này không được đáp ứng, tôi cần phải thông báo cho tổng tư lệnh về tình trạng thiếu đạn dược và xem xét tính khả thi của việc duy trì hoạt động ở Bakhmut".

Dù tuyên bố các chiến binh Wagner sẽ bảo vệ Bakhmut "cho đến loạt đạn cuối cùng", nhưng ông này cũng hé lộ kho đạn của họ đã cạn kiệt, chỉ còn đủ sử dụng trong vài ngày, chứ không phải vài tuần.

Bakhmut là thành phố nhỏ ở tỉnh Donetsk, miền Đông Ukraine. Mặc dù giới chức phương Tây cho rằng thành phố này có ít hoặc không có giá trị chiến lược, cả Nga và Ukraine đều dồn lực lượng về đây, biến Bakhmut thành mặt trận khốc liệt nhất hiện nay. 

Quân nhân Ukraine tập trung tại một xe tải quân sự gần Bakhmut hôm 30/4. Ảnh: AFP
Quân nhân Ukraine tập trung tại một xe tải quân sự gần Bakhmut hôm 30/4. Ảnh: AFP

Trong một diễn biến liên quan, Giáo hoàng Francis ngày 1/5 cho biết Vatican đang tham gia vào một sứ mệnh hòa bình nhằm cố gắng chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine.

Giáo hoàng Francis trong một cuộc gặp gỡ  với phóng viên trên chuyến bay trở về Vatican hôm 1/5. Ảnh: Getty
Giáo hoàng Francis trong một cuộc gặp gỡ  với phóng viên trên chuyến bay trở về Vatican hôm 1/5. Ảnh: Getty

Trên chuyến bay ngày 1/5 về Vatican sau chuyến thăm Hungary ba ngày, Giáo hoàng nói hiện có một sứ mệnh và ông sẽ tiết lộ cụ thể sau khi kế hoạch được công khai.  

Giáo hoàng Francis thông báo rằng ông đã thảo luận về tình hình Ukraine với Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Giám mục Hilarion, đại diện của Giáo hội Chính thống Nga ở Budapest.

Giáo hoàng cho rằng hòa bình có thể đạt được thông qua các kênh đối thoại.