Mỹ xem xét tăng cường quân đội đến châu Âu giữa khủng hoảng Nga-Ukraine

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cân nhắc tăng cường binh sĩ cùng với tàu chiến và máy bay đến các quốc gia đồng minh NATO ở vùng Baltic và Đông Âu, nhằm mở rộng sự can thiệp của quân đội Mỹ trong bối cảnh lo ngại về cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine.

Mỹ có thể xem xét khả năng tăng quân tại châu Âu. Ảnh: AP
Mỹ có thể xem xét khả năng tăng quân tại châu Âu. Ảnh: AP

Theo Tass, tờ New York Times của Mỹ trích dẫn nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết trong cuộc họp hôm 22/1 tại Trại David, các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc đã đề xuất với Tổng thống Biden một số lựa chọn để di chuyển tài sản quân sự Mỹ đến sát biên giới Nga. Các đề xuất bao gồm điều động 1.000 đến 5.000 quân đến các nước Đông Âu cùng với khả năng tăng gấp 10 lần con số đó nếu tình hình xấu đi. Ông Biden dự kiến ​​đưa ra quyết định sớm nhất trong tuần này.

Trong khi đó, hãng Reuters hôm 23/1 đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo nếu "lực lượng tăng cường của Nga" ồ ạt tiến vào Ukraine, Washington và các đồng minh sẽ có phản ứng "quyết liệt". "Nếu lực lượng tăng cường của Nga tiến vào Ukraine theo cách hung hăng, như tôi đã nói, điều đó sẽ kích hoạt phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và thống nhất từ ​​chúng tôi cùng châu Âu", Ngoại trưởng Blinken nói với CNN hôm 23/1. Tuy nhiên, ông Blinken cho biết thêm chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không áp đặt các biện pháp trừng phạt “phủ đầu” với Nga.

Trong một diễn biến liên quan, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 24/1 nói rằng Đại sứ quán Mỹ tại Kiev sẽ vẫn duy trì hoạt động mặc dù bộ này vừa khuyến cáo tránh đi lại tới Ukraine, và yêu cầu nhân viên không thiết yếu tại Đại sứ quán Mỹ ở Ukraine cùng gia đình về nước "do mối đe dọa từ hành động quân sự của Nga".

Phát biểu tại cuộc họp báo, quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng phái đoàn ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tại Kiev, và Kristina Kvien - Phụ trách Đại sứ quán Mỹ tại Kiev, vẫn ở lại Ukraine. Theo quan chức này, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Trước đó, hôm 23/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép các cán bộ ngoại giao của Mỹ được phép tự nguyện dời đi và chỉ thị cho các thành viên gia đình họ di chuyển khỏi Đại sứ quán tại Kiev do “mối đe dọa không ngừng về hành động quân sự của Nga".

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 23/1 cũng thông báo cho phép các nhân viên không thiết yếu đại sứ quán ở Kiev có thể tự nguyện rời Ukraine, với chi phí do chính phủ cung cấp. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, có báo cáo về việc Moscow đang lên kế hoạch thực hiện hành động quân sự đáng kể đối với Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov hôm 23/1 cho biết nước này đã nhận được lô vũ khí thứ 2 từ Mỹ trong khuôn khổ viện trợ phòng thủ tổng trị giá 200 triệu USD.

Theo hãng tin Reuters, Washington tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong bối cảnh Kiev và các đồng minh phương Tây lo ngại về việc hàng chục ngàn binh sĩ Nga tập trung ở khu vực biên giới. Tuy nhiên, Nga đã phủ nhận lên kế hoạch tấn công quân sự.

Trước đó, khoảng 90 tấn vũ khí sát thương, bao gồm cả đạn dược, trong gói hỗ trợ được Mỹ phê duyệt vào tháng 12 năm ngoái đã đến thủ đô Ukraine hôm 22/1. Theo Ngoại trưởng Ukrainian Dmitry Kuleba, nước này đã nhận được gói hỗ trợ quân sự trị giá hơn 650 triệu USD từ chính phủ Mỹ trong năm ngoái.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần