Nan giải bài toán bẫy thu nhập trung bình của một quốc gia Đông Nam Á

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -  Sau khi trải qua một cuộc bầu cử đầy sóng gió, tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim giờ đang phải đối mặt với thách thức tiếp theo.

Đó là hướng tới mục tiêu đưa đất nước trở thành một trong các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến - một mục tiêu kéo dài hàng thập kỷ.

Ông Anwar và liên minh Pakatan Harapan, hay còn được biết đến với cái tên là Liên minh Hy vọng, luôn xem khởi nghiệp như là một “phương thuốc đặc trị” cho những năm tăng trưởng trì trệ của Malaysia.

Malaysia hiện là quốc gia đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về thu nhập bình quân đầu người. Ảnh: Reuters
Malaysia hiện là quốc gia đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về thu nhập bình quân đầu người. Ảnh: Reuters

Theo quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Malaysia hiện là quốc gia đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về thu nhập bình quân đầu người, với mức GDP trong năm 2021 là 11.400 USD/ người. Quốc gia này cũng ghi nhận mức tăng trưởng hơn 14,2% trong quý 3 năm 2022 - theo Reuters. Nước này từng có bước chuyển mình thành công từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang trung tâm sản xuất với một trong những cảng biển tấp nập nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, Malaysia hiện đang phải vật lộn để nâng cao các chuỗi giá trị và lo ngại về việc bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, không thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao để gia nhập vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập cao.

Bên cạnh đó, bất bình đẳng thu nhập cũng là vấn đề cần được quan tâm khi tình trạng này ngày càng gia tăng giữa các bang, đặc biệt là sự chênh lệch thu nhập giữa những trung tâm sản xuất giàu có và các bang dựa vào nông nghiệp và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác như dầu cọ và khai thác mỏ.

Mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển của Malaysia vào năm 2020 đã được đặt ra ngay từ những năm 1991. Tuy nhiên, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của nước này đã chững lại kể từ khi vượt ngưỡng 10.000 USD vào năm 2011. Con số này đạt khoảng 11.400 USD vào năm 2021 - thấp hơn ngưỡng 13.000 USD mà một nước có thu nhập cao cần đạt được.

Tăng trưởng kinh tế trì trệ của Malaysia xuất phát từ những nguyên nhân cơ bản như giảm năng suất và tham nhũng tràn lan dưới thời cựu Thủ tướng Najib Razak. Hơn 4,5 tỷ USD được cho là đã bị bòn rút từ quỹ của doanh nghiệp nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB), trong suốt thời gian ông Najib tại vị từ 2009 đến 2018. Điều này đã cản trở các khoản đầu tư quốc gia vào công nghệ kỹ thuật số và các lĩnh vực khác.

Có nguồn tin cho biết ông Anwar hiện đang hướng Malaysia đến một số lĩnh vực mới như số hóa, trí tuệ nhân tạo và dịch vụ.

Ông cho biết việc thúc đẩy khởi nghiệp ở Malaysia như một cách để “nạp đầy năng lượng” cho nền kinh tế. Với dân số khoảng 33 triệu người và độ tuổi trung bình nằm trong khoảng 30, quốc gia này có những ưu thế về nguồn lực cho việc khởi nghiệp.

Tuy nhiên, vấn đề chảy máu chất xám vẫn luôn là nguyên nhân khiến chính quyền Malaysia đau đầu. Điều này càng thể hiện rõ khi cứ khoảng 2 triệu người Malaysia sống ở nước ngoài thì có đến 500.000 người lao động từ 25 tuổi trở lên có tay nghề cao, theo ước tính của tổ chức tư vấn Malaysia Emir Research.

 

 

.

 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần