Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

NATO muốn xích lại Ấn Độ - Thái Bình Dương

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng NATO đầu tiên, được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington và do Phòng Thương mại Mỹ chủ trì, phía Mỹ cho biết, các dự án sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine, trí tuệ nhân tạo, thông tin sai lệch và an ninh mạng.

NATO và các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand sẽ triển khai bốn dự án chung mới nhằm tăng cường hợp tác. Thông tin được cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan phát biểu tại một cuộc họp mặt các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng hôm 9/7. 

Các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khởi động các dự án chung mới về Ukraine, AI, thông tin sai lệch và an ninh mạng. Ảnh: Reuters
Các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ khởi động các dự án chung mới về Ukraine, AI, thông tin sai lệch và an ninh mạng. Ảnh: Reuters

Cụ thể, tại Diễn đàn Công nghiệp Quốc phòng NATO đầu tiên, được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington và do Phòng Thương mại Mỹ chủ trì, cố vấn Sullivan cho biết, các dự án sẽ tập trung vào vấn đề Ukraine, trí tuệ nhân tạo, thông tin sai lệch và an ninh mạng.

“Mỗi sáng kiến ​​đều khác nhau, nhưng mục tiêu chính đều giống nhau: khai thác những thế mạnh riêng biệt của các nền dân chủ có năng lực để giải quyết những thách thức chung toàn cầu,” ông Sullivan khẳng định. 

Theo cố vẫn Mỹ giải thích, những diễn biến ở châu Âu sẽ tác động đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ngược lại.  

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, đã nêu bật bối cảnh an ninh đang thay đổi.

Đối với sự tồn tại của NATO, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks khẳng định khối an ninh hiện phải đối mặt với sự mở rộng công nghiệp quốc phòng nhanh chóng của các đối thủ cạnh tranh chiến lược, dẫn đầu là Trung Quốc.

“Cơ sở công nghiệp quốc phòng xuyên Đại Tây Dương đang ở thời điểm then chốt," bà Hicks khẳng định, đồng thời cho rằng việc hợp tác với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc về việc cùng sản xuất vũ khí và bảo trì tàu, máy bay sẽ mang lại lợi ích chung. 

Trong khi đó, cố vấn Sullivan tuyên bố rằng trong những ngày tới, tất cả 32 thành viên NATO sẽ cam kết phát triển các kế hoạch tăng cường năng lực công nghiệp quốc phòng trong nước - kế hoạch đầu tiên trong lịch sử của NATO. 

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các thành viên NATO vượt ngưỡng chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng.

Một thập kỷ trước, các thành viên NATO đã nhất trí 2% là mục tiêu cần phấn đấu hướng tới, ông Stoltenberg cho biết. Ngày nay, "2% không chỉ là một mức trần nào đó, mà 2% giờ đây còn là mức sàn cho chi tiêu quốc phòng của khối," lãnh đạo NATO nhấn mạnh.

Thông qua cam kết công nghiệp quốc phòng mới, các đồng minh không chỉ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng mà còn "chi tiêu hiệu quả hơn", ông Stoltenberg nói, bằng cách tăng cường chi cho những mục đích như tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô.

Mặt khác, việc này còn đồng nghĩa với nỗ lực tạo ra nhiều hệ thống có khả năng tương tác hơn thông qua các tiêu chuẩn chung, ông Stoltenberg nói. Ông nêu ví dụ về việc các lữ đoàn Hà Lan-Đức không thể chia sẻ đạn pháo do sử dụng vũ khí tiêu chuẩn khác nhau.

Cựu thủ tướng Na Uy cho biết: "Điều đó trái ngược với khả năng tương tác, và đây là mục tiêu mà chúng tôi phải cực kỳ nghiêm túc với tư cách là chính phủ cũng như ngành công nghiệp”.

Ông Stoltenberg cho biết NATO sẽ thảo luận về hợp tác công nghiệp quốc phòng với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khi hai bên có cuộc gặp vào ngày 11/7 tới.

Theo lãnh đạo NATO, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc “đều là những ngành công nghiệp quốc phòng tiên tiến”. "Và một phần trong những gì chúng tôi đã đồng ý với tư cách là đồng minh sẽ là tăng cường hợp tác với họ, cả về phát triển năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng."