Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nên cấm tuyệt đối

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Quy định cấm tuyệt đối việc "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, quy định này lại đang có những ý kiến trái chiều.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Quốc hội thảo luận tại tổ về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, hành vi nghiêm cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Cụ thể, tại Điều 8 dự thảo luật quy định 28 nhóm hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, trong số này có "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Lý do được đưa ra là, quy định như vậy quá nghiêm khắc và chưa thực sự phù hợp với văn hóa, phong tục, tập quán của một bộ phận người dân Việt Nam, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Các ý kiến đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế và quy định nồng độ cồn ở mức độ phù hợp đối với từng loại phương tiện; đồng thời, bảo đảm tính thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó không ít ý kiến nhất trí với quy định cấm tuyệt đối như dự thảo luật, vì cho rằng nội dung này đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả. Tình hình tai nạn giao thông nguyên nhân do người say xỉn lái xe đã giảm đáng kể. Văn hóa tham gia giao thông không uống rượu, bia cũng đã được hình thành trong xã hội.

Mỗi người có mức độ ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khác nhau sau khi uống rượu, bia. Không ít người sử dụng rất ít bia, rượu hoặc sử dụng nước hoa quả lên men cũng dẫn đến tình trạng thiếu tỉnh táo khó có thể điều khiển phương tiện. Khi sử dụng rượu, bia người dân cũng không thể biết được uống bao nhiêu là đủ, đúng theo quy định. Như vậy, rất khó để quy định ngưỡng nồng độ cồn phù hợp. Ngoài ra, ở Việt Nam việc nấu rượu vẫn thả nổi, chưa có quy định chặt chẽ về nồng độ cồn nên không thể xác định được uống bao nhiêu thì nằm trong vùng an toàn.

Theo nghiên cứu nồng độ cồn trong máu = 0,01g/dl, tương đương với việc mới chỉ uống một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia thì đã bắt đầu có các rối loạn như giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn điều chỉnh phối hợp động tác, động tác không nhất quán. Từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh trong khi điều khiển phương tiện giao thông.

Việc quy định nồng độ cồn bằng 0 là phù hợp, thể hiện sự chặt chẽ, kịp thời và nghiêm minh, đã đem lại hiệu quả cao, được nhiều người dân ủng hộ. Mọi người hình thành thói quen từ chỗ sợ bị phạt, nay thành tự giác không uống rượu, bia khi lưu hành phương tiện giao thông. Đây là điều đáng mừng. Và thực tế, trong thời gian qua khi triển khai các biện pháp mạnh tay xử phạt trường hợp uống rượu, bia khi tham gia giao thông, các vụ tai nạn do chất cồn gây ra đã giảm hẳn.