Theo Bloomberg, nền kinh tế Đức sẽ vẫn trì trệ trong nửa cuối năm nay khi nước này tiếp tục vật lộn với hậu quả của suy thoái kinh tế mùa đông.
Theo một cuộc khảo sát do Bloomberg thực hiện vào đầu tháng 8, sản lượng kinh tế ở Đức đã giảm trong quý II và sẽ chững lại trong quý III, đánh dấu mức giảm sâu hơn dự kiến.
Nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) sẽ là thành viên G7 duy nhất phải đối mặt với sự suy giảm trong năm nay, theo dự báo trước đó của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Dự báo về nền kinh tế Đức đã được điều chỉnh giảm - với mức tăng trưởng dự kiến chỉ 0,1% trong quý IV /2023, do nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều suy yếu, theo Bloomberg.
Các nhà phân tích dự đoán nền kinh tế Đức sẽ giảm 0,3% trong năm nay, có thể sẽ chỉ phục hồi 0,8% vào năm 2024, giảm so với dự đoán trước đó là 1%.
Ngành công nghiệp của Đức đang gặp khó khăn trong bối cảnh nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu, tình trạng thiếu lao động có trình độ, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và hậu quả kéo dài từ cuộc khủng hoảng năng lượng.
Trong báo cáo công bố hôm 14/8, Bộ Kinh tế Đức cảnh báo, “sự phục hồi mà nhiều người mong đợi vẫn không thành hiện thực vào đầu mùa hè”.
Theo báo cáo trên, tâm lý kinh tế trong nước đã bị ảnh hưởng do “nhu cầu bên ngoài vẫn còn yếu, những bất ổn địa chính trị tiếp tục diễn ra, tốc độ tăng giá vẫn cao và những tác động ngày càng rõ rệt của việc thắt chặt tiền tệ”.
Báo cáo của Bộ Kinh tế Đức nêu rõ: “Các chỉ số kinh tế quan trọng như đơn đặt hàng mới và môi trường kinh doanh chưa cho thấy sự phục hồi kinh tế bền vững ở Đức trong những tháng tới”.
Cũng trong tuần này, ông Stefan Wolf - Chủ tịch Liên đoàn các Hiệp hội Cơ điện và Kim loại (Gesamtmetall), cho biết nền kinh tế Đức không còn khả năng cạnh tranh và đã trở thành “kẻ ốm yếu của châu Âu”. Ông cũng dự báo Đức có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm nay.
Trước đó, RT hôm 11/8 đưa tin, nghị sĩ Đức Uwe Schulz của đảng cánh hữu AfD cảnh báo, kinh tế Đức suy giảm là do chính sách trừng phạt Nga của EU.
Theo ông Schulz, các biện pháp trừng phạt không những không gây tổn hại cho Nga mà còn tàn phá nền kinh tế Đức.
“Các biện pháp trừng phạt Nga và các biện pháp kinh tế của liên minh cầm quyền (Đảng Dân chủ Xã hội Đức, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do) đang đưa nước Đức và hoạt động kinh tế của nước này tiến thẳng đến phi công nghiệp hóa” – nghị sĩ Schulz tuyên bố.
Ông lưu ý thêm “không có gì bất ngờ khi năm 2022, Đức đã mất vị trí nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới vào tay Nga.
Theo báo cáo Kinh tế Thế giới mới nhất, Nga là 1 trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới và lớn nhất ở châu Âu xét theo sức mua tương đương (PPP) tính đến cuối năm 2022, bất chấp các lệnh trừng phạt. Dữ liệu cho thấy Nga đã vượt nền kinh tế trị giá 5 ngàn tỷ USD của Đức khi tính theo PPP.
Theo nghị sĩ Schultz, ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt Nga đối với nền kinh tế Đức được chứng minh bằng “triển vọng kinh tế đáng thất vọng trong năm 2023”, cũng như việc giảm sản lượng trong ngành ôtô”.
Về vấn đề này, nhà lập pháp kêu gọi chính phủ Đức ngay lập tức “dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga” để “ngăn chặn thêm thiệt hại kinh tế cho Berlin”.
Đức, vốn nhập 40% khí đốt tiêu thụ từ Nga trước năm 2022, là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc Nga cắt giảm nguồn cung năng lượng từ năm ngoái.
Năng lượng Nga cung cấp cho Đức bị giảm đáng kể hoặc bị dừng lại hoàn toàn sau khi EU áp đặt các biện pháp trừng phạt với Nga do xung đột ở Ukraine.