Nền kinh tế lớn nhất EU trả giá đắt vì thiếu khí đốt Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đức, nền kinh tế lớn nhất EU đã cắt giảm một nửa lượng nhập khẩu khí đốt, song chi phí nhiên liệu vẫn giữ nguyên do giá tăng gấp 2,5 lần.

Nhập khẩu khí đốt từ Nga trong  3 quý đầu năm nay giảm xuống còn 48 tỷ mét khối. Ảnh: RT
Nhập khẩu khí đốt từ Nga trong  3 quý đầu năm nay giảm xuống còn 48 tỷ mét khối. Ảnh: RT

Theo báo cáo được RIA Novosti công bố cuối tuần trước, chi phí nhiên liệu tại Đức trong những tháng đầu năm nay không thay đổi mặc dù nước này đã giảm mạnh lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên.

Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, nền kinh tế lớn nhất EU đã giảm lượng khí đốt nhập khẩu xuống 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy chi phí nhiên liệu vẫn giữ nguyên do giá tăng gấp 2,5 lần.

Nhìn chung, lượng mua khí đốt của Đức giảm xuống còn 66 tỷ mét khối trong 9 tháng đầu năm 2023, từ mức 121 tỷ mét khối trong cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu khí đốt từ Nga trong cùng thời kỳ cũng giảm xuống còn 48 tỷ mét khối.

Đức - quốc gia phụ thuộc 40% nhu cầu khí đốt của Nga trước thời điểm năm 2022 - là một trong những quốc gia EU chịu thiệt hại kinh tế lớn nhất do việc Moscow cắt giảm nguồn cung năng lượng vào năm ngoái.

Dòng chảy khí đốt Nga sang châu Âu bị cắt giảm đáng kể hoặc bị dừng hoàn toàn sau khi EU, trong đó có Đức, áp đặt các lệnh trừng phạt chống Moscow để đáp trả cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong ba quý đầu năm nay, Berlin đã trả khoảng 21,3 tỷ euro (23 tỷ USD) để nhập khẩu khí đốt, xấp xỉ con số 22,2 tỷ euro của năm 2021 mặc dù lượng nhập khẩu giảm mạnh. Chi phí nhập khẩu khí đốt không giảm là do giá trung bình 1 mét khối khí đốt đã tăng hơn gấp đôi, từ 0,18 euro vào năm 2021 lên 0,45 euro trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng năng lượng dai dẳng do thiếu hụt nguồn cung khí đốt đã ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực sản xuất của Đức. Giá nguyên liệu thô và năng lượng tăng vọt gây thiệt hại cho phần lớn các ngành công nghiệp của nền kinh tế lớn nhất EU.

Bên cạnh đó, nhiều hộ gia đình ở Đức đã phải đối mặt với gánh nặng hóa đơn năng lượng tăng chóng mặt trong năm qua. Trong khi đó, các nhà cung cấp điện và khí đốt phải vật lộn với giá thị trường bán buôn cao hơn và giá điện tăng cao.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây nói rằng Nga phải chịu trách nhiệm về việc ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu. Trong đó, Đức là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất. 

Theo đài RT, phát biểu tại đại hội Đảng Dân chủ Xã hội Đức hôm 9/12, Thủ tướng Olaf Scholz đã đổ lỗi cho Nga vì đã ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.

 Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại đại hội Đảng Dân chủ Xã hội Đức hôm 9/12. Ảnh: Getty
 Thủ tướng Olaf Scholz phát biểu tại đại hội Đảng Dân chủ Xã hội Đức hôm 9/12. Ảnh: Getty

Theo nhà lãnh đạo Đức, chính Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng cung cấp khí đốt thông qua các đường ống không bị hư hại, điều này khiến Berin thiếu hụt 50 tỷ mét khối khí đốt.

Ông Scholz cho biết, trong nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng, Chính phủ Đức bắt đầu mua thêm khí đốt từ Na Uy và xây dựng các trạm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở phía bắc đất nước.

Bình luận về phát biểu của Thủ tướng Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cùng ngày gọi những cáo buộc về việc cung cấp khí đốt cho châu Âu bị dừng bởi vì Nga là "dối trá".

Theo tờ Ria Novosti, việc cung cấp khí đốt cho Đức trở nên khó khăn hơn, sau các cuộc tấn công nhằm vào tuyến đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 của Nga hồi tháng 9 năm ngoái.

Sau vụ rò rỉ tại đường ống Nord Strean do bị tấn công vào ngày 26/9/2022, tập đoàn năng lượng Nga Gazprom buộc phải giảm đáng kể việc cung cấp khí đốt do các vấn đề kỹ thuật liên quan đến việc bảo trì các tua-bin của Nord Stream 1. Những khó khăn trong việc bảo dưỡng các tua-bin xuất phát từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Hồi đầu tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov cho biết, Nga không “đóng cửa” nguồn cung cấp năng lượng theo hướng Tây, và vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy ngay cả trong bối cảnh hiện tại.