Trong vòng vài ngày sau chiến sự do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động diễn ra tại Ukraine 18 tháng trước, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Ngân hàng Trung ương Nga, đóng băng hàng trăm tỷ USD tài sản của ngân hàng này.
Đồng rúp giảm mạnh, đạt mức thấp kỷ lục 136 rúp đổi 1 USD một tuần sau đó. Nhưng sau khi ngân hàng áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ và vốn, đồng rúp đã phục hồi trở lại, vượt lên mức 51,5 rúp đổi 1 USD.
Tỷ giá hối đoái của đồng rúp đưa ra dấu hiệu rõ ràng nhất về sức khỏe của nền kinh tế của Nga. Việc đồng tiền này gần đây giảm xuống dưới ngưỡng quan trọng về mặt chính trị là 100 rúp đổi 1 USD đã khiến Điện Kremlin lo lắng.
Ngân hàng Trung ương Nga ngay lập tức triệu tập một cuộc họp bất thường, tại đó quyết định tăng lãi suất lên mức khổng lồ 3,5 điểm phần trăm và báo hiệu rằng, nhiều đợt tăng lãi suất nữa có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng tới. Các biện pháp kiểm soát tiền tệ bổ sung cũng xuất hiện. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov được cho là ủng hộ việc buộc các nhà xuất khẩu Nga phải chuyển doanh thu bằng USD về nước và bán chúng cho ngân hàng trung ương.
Sự mất giá của đồng rúp phần nào cho thấy mức độ áp lực của chiến tranh - và các biện pháp trừng phạt được áp đặt để đáp trả đặt lên nền kinh tế Nga. Vào tháng 5/2022, Châu Âu thông báo rằng lệnh cấm vận đối với khoảng 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga sẽ có hiệu lực trong vòng 6-8 tháng tới. Không lâu sau, các nước G7 đã đồng ý về áp đặt mức giá trần.
Việc trì hoãn áp dụng các chính sách này đã cho phép Điện Kremlin duy trì nguồn thu khổng lồ. Mặc dù phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, nhưng thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục của Nga vào năm 2022, ở mức 227 tỷ USD, gần như đã được bù đắp.
Các nhà lãnh đạo Nga tỏ ra không hề bối rối: Nước này vẫn nắm giữ nguồn dự trữ đồng Nhân dân tệ đáng kể, do đó có thể trang trải được thâm hụt ngân sách. Chiến sự ở Ukraine vẫn là ưu tiên hàng đầu của Điện Kremlin: chỉ trong nửa đầu năm nay, chi tiêu quân sự của Nga đã cao hơn 12% so với ngân sách cho cả năm 2022.
Ngoài nguồn chi chiến tranh, chính phủ Nga còn hy vọng rằng việc tiếp tục chi tiêu sẽ mang lại động lực cho nền kinh tế theo học thuyết Keynes.
Với nền kinh tế Nga, chi tiêu chính phủ cao hơn chỉ đơn giản là thúc đẩy lạm phát. Thêm vào đó là dòng vốn chảy ra liên tục - tăng nhanh sau khi ông chủ của Tập đoàn quân sự Wagner, Yevgeny Prigozhin, hủy bỏ cuộc nổi loạn vào tháng 6 - và sự mất giá gần đây của đồng rúp đã được dự đoán trước.
Trước những phương pháp phức tạp mà các doanh nghiệp Nga viện tới để phá vỡ lệnh cấm vận dầu mỏ và trần giá, phương Tây giờ đây phải nỗ lực để bịt các kẽ hở của lệnh trừng phạt, đồng thời hạ trần giá dầu từ 60 USD/thùng hiện nay xuống 50-55 USD/thùng, hoặc thậm chí thấp hơn.
Một điểm rút ra quan trọng khác từ sự sụt giá gần đây của đồng rúp cho thấy Moscow đang nỗ lực né các biện pháp trừng phạt thương mại. Đồng rúp rẻ hơn vì Nga cần USD để thanh toán hóa đơn nhập khẩu, vốn đã tăng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái – từ 57 tỷ USD lên 76 tỷ USD– trong quý 2 năm 2023.
Mức tăng này một phần phản ánh chi phí gia tăng trong việc lách lệnh trừng phạt, đang gia tăng áp lực lên ngân sách và tiền tệ của Nga. Nếu tìm cách siết chặt việc thực thi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, phương Tây có thể tăng thêm những chi phí này.