Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga giảm nguồn cung, giá khí đốt châu Âu lập kỷ lục mới lên hơn 2.100 USD/1.000 m3

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá khí đốt tại châu Âu thiết lập mức cao nhất mọi thời đại lên tới hơn 2.100 USD/1.000 m3 trong phiên ngày 21/12, theo số liệu trên sàn giao dịch London.

Chốt phiên giao dịch ngày 21/12, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 1/2022 tại trung tâm TTF ở Hà Lan nhảy vọt lên 1.732 USD/1.000 m3, tương đương 148,87 Euro/MWh, tăng 27% so với phiên ngày thứ Hai.
 Nhân công vận hành đường ống khí đốt Yamal-châu Âu. Ảnh: Reuters
Theo các nhà phân tích, giá khí đốt tại châu Âu tiếp tục tăng kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 21/12  có thể là phản ứng trước thông tin về việc giảm khối lượng khí đốt chuyển tải qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói rằng việc ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Yamal-châu Âu không liên quan gì đến việc cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đi vào hoạt động.
Hãng tin RT cho biết, theo dữ liệu của nhà vận hành Gascade (Đức), Nga đã dừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt tới Đức qua tuyến đường ống Yamal-châu Âu. Cụ thể, lượng khí trung chuyển qua đây đã giảm xuống chỉ còn 6% công suất thiết kế trong ngày 18/12 và xuống còn 5% trong ngày 19/12 trước khi còn 0% trong sáng ngày 21/12. Do thời tiết lạnh giá ở mùa đông cùng với nguồn cung hạn chế,  giá năng lượng tại châu Âu có xu hướng tiếp tục tăng mạnh.
Tuyến đường ống Yamal-châu Âu chạy từ vùng tây bắc Siberia tới Frankfurt-an-der-Oder ở miền đông nước Đức, qua Belarus và Ba Lan. Trong năm 2020, khoảng 20% lượng khí đốt của Nga tới khu vực Tây Âu được chuyển qua Belarus.
Rủi ro đối với châu Âu đang gia tăng trong mùa đông này với kho dự trữ khí đốt giảm xuống mức thấp kỷ lục vào thời điểm này trong năm và cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết. Hồi đầu tháng 10/2021, giá khí đốt ở châu Âu đã thiết lập mức cao kỷ lục tới 2.000 USD/1.000 m3, tăng gần 400% kể từ đầu năm.
Sau khi hạ nhiệt, giá năng lượng ở châu Âu tiếp tục tăng trong những tuần gần đây sau khi Berlin thông báo dừng việc xem xét cấp phép cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, tuyến đường ống vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.
Việc xây dựng dự án khí đốt hợp tác Nga-Đức vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ, Ba Lan và Ukraine. Washington lo ngại dự án khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine. Mặc dù phải đối mặt với nhiều trở ngại, bao gồm các lệnh trừng phạt của Mỹ và thay đổi các quy định của châu Âu, tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn thành vào đầu tháng 9 vừa qua./.