Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nga siết nguồn cung qua Nord Stream 1, giá khí đốt vọt lên hơn 2.000 USD

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhedothi - Trong phiên giao dịch ngày 26/7, giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên vượt mức 2.000 USD/1.000 m3 kể từ đầu tháng 3 do lo ngại khan hiếm nguồn cung khi Nga siết dòng chảy qua Nord Stream 1.

Giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 USD/1.000 m3 kể từ đầu tháng 3. Ảnh: Tass
Giá khí đốt tại châu Âu lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 USD/1.000 m3 kể từ đầu tháng 3. Ảnh: Tass

Tass đưa tin, theo dữ liệu từ sàn giao dịch London (Anh), giá hợp đồng khí đốt giao tháng 8 tại trung tâm giao dịch ở Hà Lan đã tăng lên 2.003 USD/1.000 mét khối, tương đương 189,75 euro/MWh.

Giá khí đốt tại châu Âu đã leo dốc 12% sau khi tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom thông báo cắt giảm hơn nữa dòng chảy qua tuyến đường ống quan trọng Nord Stream 1. 

Tập đoàn Gazprom hôm 25/7 cho biết sẽ giảm lượng khí đốt vận chuyển qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu xuống còn 20% từ ngày 27/7 do phải đem một tuabin đi bảo trì.

Đường ống Nord Stream 1 sẽ bơm 33 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày, tương đương 20% ​​công suất, từ 7 giờ sáng ngày 27/7, theo thông báo của Gazprom. Tập đoàn Gazprom cũng thông tin thêm, một tuabin khác cho đường ống Nord Stream 1 sẽ được đưa ra ngoài để bảo trì.

Dòng chảy khí đốt của Nord Stream 1 đã bị giảm xuống 40% công suất kể từ tháng 6 khi một tuabin bị kẹt ở Canada do lệnh trừng phạt Nga. Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo dòng khí đốt qua đường ống dưới biển Baltic có thể giảm xuống 20% ​​nếu các vấn đề về tuabin không được giải quyết.

Nga là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu Âu, chiếm 41% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của Liên minh châu Âu (EU) năm 2021. Các nước châu Âu đang nỗ lực tìm phương án đối phó với việc Nga có thể cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt như giảm nhu cầu tiêu thụ, tìm nguồn cung thay thế.

Trong diễn biến mới nhất, các nước thành viên EU hôm 26/7 đã đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế tiêu thụ khí đốt của Nga trong mùa đông trước viễn cảnh nguồn cung không ổn định.

Trong thông báo đưa ra ngày 26/7, Hội đồng EU cho biết các quốc gia thành viên EU đã nhất trí với kế hoạch giảm nhu cầu khí đốt 15% từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023.

“Các quốc gia thành viên EU đã đồng ý giảm nhu cầu khí đốt xuống 15% so với mức tiêu thụ trung bình trong 5 năm qua, bắt đầu từ ngày 1/8/2022 đến ngày 31/3/2023, với các biện pháp do mỗi nước lựa chọn," tuyên bố của Hội đồng EU nêu rõ.

Trước đó, hôm 25/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng châu Âu nên chuẩn bị cho việc ngừng cung cấp hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga. "Hiện tại, Nga đang cung cấp một phần khí đốt cho châu Âu, và không cung cấp cho 12 quốc gia thành viên EU. Vì vậy, châu Âu phải chuẩn bị phương án tồi tệ nhất cho kịch bản Moscow ngừng cung cấp khí đốt hoàn toàn," bà Leyen cho biết.

Ủy ban châu Âu tuần trước đề xuất biện pháp khẩn cấp, yêu cầu các quốc gia thành viên cắt giảm 15% nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 3 năm sau. Mục tiêu là tự nguyện, nhưng Ủy ban châu Âu có thể đưa ra quy định ràng buộc trong trường hợp khẩn cấp về nguồn cung năng lượng.

Tuy nhiên, kế hoạch tiết kiệm khí đốt đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên, do vậy, đề xuất được điều chỉnh theo hướng miễn trừ với những quốc gia, những lĩnh vực kinh tế - xã hội nhất định.