Ngành dịch vụ của Trung Quốc “ảnh hưởng nặng” bởi đợt tái bùng phát Covid-19

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết quả khảo sát công bố hôm 5/5 cho thấy, lĩnh vực dịch vụ chủ chốt của Trung Quốc tiếp tục giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4 do tác động của Covid-19.

 Các thực khách đang dùng bữa tại một nhà hàng lẩu ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
 Các thực khách đang dùng bữa tại một nhà hàng lẩu ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo kết quả cuộc khảo sát tư nhân vừa được công bố hôm nay, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ Caixin của Trung Quốc đã giảm xuống 36,2 điểm của tháng 4 từ mức 42 điểm trong tháng 3. Đây là mức điểm thấp thứ hai kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào tháng 11/2005. Chỉ số này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục là 26,5 điểm vào tháng 2/2020 - thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Cuộc khảo sát cho thấy sự suy thoái nặng nề trong lĩnh vực dịch vụ then chốt, chiếm tới 60% nền kinh tế Trung Quốc và tạo ra khoảng 50% cơ hội việc làm cho người lao động ở thành thị. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp nhỏ ở các vùng ven biển.

Chỉ số về hoạt động kinh doanh mới trong tháng 4 cũng ghi nhận mức thấp kỷ lục, khi giảm còn 38,4 điểm từ mức 45,9 điểm trong tháng 3. Theo báo cáo của các công ty dịch vụ, đợt tái bùng phát Covid-19 tại Trung Quốc đã ảnh hưởng nhiều tới nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.

Chỉ số việc làm cũng sụt giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 4 vừa qua, dù mức giảm là nhẹ so với chỉ số về hoạt động kinh doanh.

Chỉ số PMI tổng hợp của Caixin trong tháng 4, bao gồm cả hoạt động sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống 37,2 điểm từ mức 43,9 điểm trong tháng trước đó.

Mặc dù chi phí đầu vào tăng nhẹ, song nỗ lực của các công ty dịch vụ nhằm mở rộng các hoạt động kinh doanh vẫn chưa đạt kết quả khả quan do nhu cầu của người dân tăng chậm, khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải đối mặt với áp lực chi phí gia tăng.

"Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với những thách thức như nguồn cầu chịu áp lực, nguồn cung bị thu hẹp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài, công việc tồn đọng ngày càng nhiều, người lao động khó quay trở lại công việc của mình, áp lực lạm phát kéo dài…” - chuyên gia kinh tế cấp cao Wang Zhe của Caixin Insight Group nhận xét.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần