Nguồn tin quen thuộc với Nghị viện châu Âu (EP) hôm 17/9 nói với TASS rằng khoảng 40 đại biểu của EP đã gửi lá thư kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) điều tra về việc vi phạm quy định chống độc quyền của Liên minh châu Âu đối với Gazprom, khi cho rằng tập đoàn này đã đẩy giá khí đốt tại châu Âu lên mức kỷ lục.
EC xác nhận rằng họ đã nhận được thư của các đại biểu EP, nhưng khẳng định việc giá khí đốt tăng kỷ lục ở châu Âu là do các yếu tố khách quan. "Một nhóm gồm 40 đại biểu của EP từ Ba Lan và các nước Baltic đã đề nghị EC thực hiện cuộc điều tra vi phạm quy định chống độc quyền đối với tập đoàn năng lượng Nga Gazprom” – thông báo của EU nêu rõ.
Người phát ngôn của EC Arianna Podesta hôm thứ Sáu thông báo cơ quan này sẽ trả lời trong thời gian thích hợp.
Cùng ngày, bà Vivian Loonela - một đại diện khác của EC, nói rằng tổ chức này xem việc giá khí đốt tăng cao tại châu Âu bắt nguồn từ một số yếu tố khách quan. "Theo quan điểm của EC, giá khí đốt tăng kỷ lục trong thời gian gần đây là hệ quả của nhiều yếu tố, trong đó chủ yếu là do nhu cầu khí đốt toàn cầu tăng mạnh khi các nước đẩy mạnh quá trình phục hồi kinh tế”, bà Loonela giải thích.
Bên cạnh đó, các chuyên gia châu Âu và Nga cũng chỉ ra rằng một nguyên nhân khách quan khác đẩy giá mặt hàng năng lượng này liên tục leo dốc là do sự chậm trễ trong việc đưa vào vận hành tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2.
Bên cạnh đó, giá khí đốt tăng kỷ lục một phần cũng do thiếu hụt nguồn cung tại châu Âu, đặc biệt là ở Na Uy, Hà Lan và Anh, cùng với nhu cầu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại châu Á tăng cao.
Giá khí đốt tại châu Âu đã thiết lập mức cao nhất trong nhiều năm, nhảy vọt lên gần 970 USD/1.000 m3 trong phiên giao dịch ngày 15/9. Tuy nhiên, giá mặt hàng này giảm xuống khoảng 800 USD/1.000 mét khối khi đóng cửa phiên giao dịch. Sang phiên ngày 16/9, giá khí đốt tại châu Âu hạ nhiệt về mức 735 USD/1.000 m3./.