Nghịch lý: G7 trừng phạt Nga, kim cương Ấn Độ "gánh đòn"

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ 10 viên kim cương trên thế giới thì có 9 viên được cắt và đánh bóng tại thị trấn nhộn nhịp ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ.

Kế hoạch kiềm chế hoạt động kinh doanh kim cương Nga của nhóm G7  gây ra sự bất an ở "trung tâm kim cương" Surat của Ấn Độ, vốn đã rất khó khăn do nhu cầu toàn cầu suy giảm. 

Kế hoạch cấm kim cương của Nga gây áp lực lên hơn 4.000 công ty chế biến kim cương của Surat, Ấn Độ. Ảnh: GJEPC. 
Kế hoạch cấm kim cương của Nga gây áp lực lên hơn 4.000 công ty chế biến kim cương của Surat, Ấn Độ. Ảnh: GJEPC. 

Cứ 10 viên kim cương trên thế giới thì có 9 viên được cắt và đánh bóng tại thị trấn nhộn nhịp ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ. Surat nhập khẩu khoảng 35% kim cương thô từ các công ty Nga, trong đó có Alrosa, nhà sản xuất đá quý lớn nhất toàn cầu.

Việc thảo luận về lệnh cấm kim cương Nga có khả năng gây áp lực lên hơn 4.000 công ty chế biến kim cương của Surat, với khoảng ít nhất một triệu thợ thủ công, thợ đánh bóng và thương nhân làm việc tại đây. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản vào ngày 19/5, các nhà lãnh đạo đã cam kết hạn chế buôn bán “kim cương được khai thác, chế biến hoặc sản xuất tại Nga” nhằm cắt đứt nguồn doanh thu quan trọng đang tài trợ cho cuộc chiến do Moscow triển khai tại Ukraine.

G7 trong tuyên bố chung cho biết họ sẽ hạn chế hoạt động buôn bán kim cương của Nga, trị giá 4,5 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả việc sử dụng các phương pháp tìm kiếm công nghệ cao.

Cùng ngày, Thủ tướng Anh Rishi Sunak tuyên bố cấm nhập khẩu kim cương của Nga. Trước đó, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand và Bahamas đã ngừng hoạt động thương mại với công ty khai thác kim cương Alrosa của Nga vào tháng 4/2022.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu đã kêu gọi cấm nhập khẩu kim cương của Nga. “Tôi tin rằng hòa bình quý giá hơn nhiều so với kim cương," ông nói hồi tháng 3. 

Ông Vipul Shah, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Đá quý và Trang sức (GJEPC) Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi cách thức thực thi các biện pháp trừng phạt, vì hiện tại không có cách nào truy tìm nguồn gốc của đá quý thô”.

Ông Shah cho biết cơ quan này đã gặp khó khăn do nhu cầu suy giảm vì suy thoái kinh tế khiến người mua tại phương Tây, đặc biệt là Mỹ chi li hơn đối với các mặt hàng xa xỉ. 

Ngoài ra, các thị trường lớn như Trung Quốc vẫn chưa mở cửa hoàn toàn cho giao dịch kể từ sau đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc giá vàng tăng vọt và kim loại chính được sử dụng để làm kim cương, càng đẩy thấp nhu cầu trang sức trên toàn cầu. 

Nguồn cung kim cương của Nga ở Ấn Độ cũng bị thu hẹp kể từ tháng 3 năm 2022, khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến Nga buộc phải rời khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế Swift.

Khoảng 20 ngân hàng Nga, bao gồm Gazprom và Rosbank, đã mở tài khoản vostro bằng đồng rupee với các ngân hàng đại lý ủy quyền ở Ấn Độ để cho phép giao dịch dựa trên đồng rupee. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhập khẩu hàng hóa từ Nga của Ấn Độ tăng 400% (một phần ba trong số đó đến từ việc mua dầu thô kỷ lục 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 2), Moscow dường như không muốn dư đồng rupee.

Ngành công nghiệp kim cương tại Ấn Độ đang gặp khó, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu kim cương đã cắt và đánh bóng giảm 38,86% trong tháng 4/2023 so với cùng tháng năm 2022.

Ông Jayantibhai Savaliya, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất trang sức Surat, cho biết trong 6 tháng qua, các đơn vị chế tác kim cương đã thực hiện giờ làm việc so le, làm việc nửa ngày hoặc nửa tuần hoặc cho công nhân của họ nghỉ phép 10 ngày có lương mỗi tháng.

Trao đổi với The Print, Phó chủ tịch công đoàn Bhavesh Tank cho biết, ít nhất 200 công ty kim cương đã ngừng hoạt động.