Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nghiên cứu tại Israel: Mũi vaccine Covid-19 thứ tư chưa đủ kháng thể chống Omicron

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Sheba của Israel thực hiện cho thấy liều vaccine Covid-19 thứ tư dù có giúp làm tăng mức kháng thể cao hơn so với mũi tiêm thứ ba nhưng chưa đủ để bảo vệ trước biến thể Omicron.

Theo hãng tin Reuters, Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học Bệnh truyền nhiễm Israel Gili Regev-Yochay cho biết số lượng kháng thể do mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ tư tạo ra dù cao hơn mũi thứ ba song vẫn không hiệu quả trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron.

Bà Shari Marco, 93 tuổi, được tiêm liều vaccine thứ tư tại  nhà dưỡng lão ở Netanya, Israel, vào ngày 5 /1/2022. Ảnh: Reuters
Bà Shari Marco, 93 tuổi, được tiêm liều vaccine thứ tư tại  nhà dưỡng lão ở Netanya, Israel, vào ngày 5 /1/2022. Ảnh: Reuters

Kết quả trên được thu thập sau một cuộc thử nghiệm tiêm mũi vaccine thứ tư cho các nhân viên y tế tại bệnh viện Sheba ở Israel. 

Theo Tiến sĩ Gili Regev-Yochay, bệnh viện này đang nghiên cứu tác dụng của mũi vaccine thứ tư của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer trên 154 nhân viên sau hai tuần tiêm và liều vaccine tăng cường từ công ty dược phẩm Mỹ Moderna trên 120 nhân viên sau một tuần.

Số liệu thu thập từ cả hai nhóm được so sánh với những người không được tiêm mũi vaccine thứ tư. Trung tâm Y tế Sheba nói thêm rằng những người trong nhóm tiêm vaccine Moderna trước đó đã được tiêm ba mũi Pfizer.

Tiến sĩ Regev-Yochay cho hay liều vaccine thứ tư đã làm tăng số lượng kháng thể "thậm chí cao hơn một chút so với những gì có được sau liều thứ ba". "Tuy nhiên, số lượng kháng thể tăng thêm vẫn không đủ đối với biến thể Omicron. Hiện chúng tôi biết rằng mức độ kháng thể cần thiết để bảo vệ khỏi biến thể Omicron có lẽ vẫn còn quá cao so với liều lượng vaccine tạo nên, ngay cả khi đó là một loại vaccine tốt” - bà Regev-Yochay nói.

Hiện những phát hiện này chỉ mới là sơ bộ và vẫn chưa được công bố chính thức, Reuters đưa tin.

Israel là một trong những quốc gia triển khai chương trình tiêm ngừa  vaccine Covid-19 sớm nhất trên thế giới, bắt đầu từ một năm trước. Nước này cũng đã cho phép tiêm mũi vaccine thứ tư cho nhóm người dễ bị tổn thương và có nguy cơ nhiễm nặng cao.

Tuần trước, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus  cho biết sự gia tăng số ca mắc Covid-19 trên khắp thế giới hiện nay là do biến thể Omicron gây ra. Ông Tedros lưu ý thêm rằng phần lớn những bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện trên khắp thế giới đều chưa được tiêm chủng và nếu dịch không được kiểm soát sẽ làm gia tăng nguy cơ xuất hiện một biến chủng khác, thậm chí còn có khả năng lây lan và gây chết người hơn cả biến thể Omicron.

Với khả năng lây nhiễm cao đối với cả những người được chủng ngừa đầy đủ và gây tái nhiễm với những người từng nhiễm Covid-19, Omicron đã trở thành biến thể thống trị ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, các nghiên cứu ban đầu cho thấy biến thể mới này ít có khả năng gây bệnh nặng hơn so với biến thể Delta trước đó. Việc tiêm đủ hai mũi vaccine và liều tăng cường vẫn có thể giúp bảo vệ con người khỏi nguy cơ bệnh nặng, nhập viện và tử vong.