Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ngoại giao Việt Nam thắng lớn

Đại sứ Nguyễn Quang Khai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 là một trong những năm ngoại giao Việt Nam bận rộn nhất nhưng cũng gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật nhất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

Đảm nhận vai trò kép
Cùng một lúc, Việt Nam đảm nhiệm hai vai trò hết sức quan trọng: Thành viên không thường trực Hội đồng bảo an (HĐBA) Liên Hợp quốc (LHQ) - tháng 1/2020 giữ chức Chủ tịch HĐBA và Chủ tịch ASEAN. Đây là sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực của Việt Nam vào các công việc của thế giới. Đồng thời thể hiện sự tín nhiệm to lớn của các nước vào vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Quang Hiếu
Năm 2020 là một năm đầy khó khăn và thách thức trên phạm vi toàn cầu. Tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp và khó lường do hậu quả của đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột tại nhiều khu vực không những không thuyên giảm mà còn leo thang căng thẳng, đặc biệt ở Trung Đông - Bắc Phi, Đông Phi và Mỹ Latinh. Nhiều thách thức an ninh phi truyền thống đan xen gây khó khăn, trở ngại cho hoạt động của các thể chế đa phương, trong đó có HĐBA. Trong tình hình như vậy, đảm nhận chức Chủ tịch HĐBA, Chủ tịch ASEAN vừa là vinh dự lớn lao vừa là trách nhiệm hết sức nặng nề đối với ngoại giao Việt Nam.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Đảng và Nhà nước, năm 2020 chúng ta đã làm việc không mệt mỏi, hoàn thành xuất sắc “trọng trách kép” - Ủy viên không thường trực của HĐBA, Chủ tịch HĐBA và Chủ tịch ASEAN.

Đóng góp quan trọng tại Hội đồng Bảo an LHQ

Ngay sau khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình, tháng 1/2020, nhân kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, Việt Nam đã đảm đương trọng trách Chủ tịch HĐBA. Riêng trong tháng làm Chủ tịch HĐBA, Việt Nam đã chủ trì 30 cuộc họp chính thức bàn về các vấn đề Trung Đông, Syria, Yemen, Colombia, Cộng hòa Trung Phi, Tây Phi, Libya, Tây Phi, Mali, Cyprus, Nam Sudan, CHDC Congo... Trong đó có 2 cuộc thảo luận mở, 8 cuộc họp nghe báo cáo và 4 cuộc họp thông qua nghị quyết được phát trực tiếp trên hệ thống truyền thông của LHQ.

HĐBA cũng đã thông qua 13 quyết định, gồm 4 nghị quyết và 1 quyết định về việc gia hạn các phái bộ, lực lượng và cơ chế LHQ, 1 tuyên bố Chủ tịch, 5 tuyên bố báo chí và 2 thông tin báo chí. Đây là số lượng quyết định nhiều nhất trong một tháng làm việc của HĐBA trong những năm gần đây.

Đặc biệt, trong tình hình Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế bị vi phạm nghiêm trọng, Việt Nam đã nêu ra vấn đề ưu tiên thảo luận nhằm thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác đa phương trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Phiên thảo luận chủ đề này do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì đã thu hút 111 lượt phát biểu, số lượng tham gia cao nhất trong lịch sử các phiên thảo luận mở của LHQ, trong đó có phát biểu của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và 109 quốc gia thành viên, quan sát viên của LHQ.

Hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, trong tình hình hết sức khó khăn do sự lây lan của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao AMM-53 (tháng 9/2020). Tiếp theo đó là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020) với 20 cuộc họp liên quan và hơn 80 văn kiện được thông qua, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng. Đây là số lượng văn kiện được thông qua nhiều nhất trong các kỳ họp ASEAN từ trước tới nay. Các sáng kiến của Việt Nam về ứng phó với đại dịch Covid-19, tăng cường hợp tác kinh tế, ổn định tài chính và đoàn kết ASEAN được dư luận khu vực cũng như quốc tế đánh giá cao. Các nhà lãnh đạo ASEAN đặc biệt đánh giá cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam trong điều phối, dẫn dắt, giữ vững đà hợp tác và đoàn kết ASEAN.

Trong tháng làm Chủ tịch HĐBA, Việt Nam cũng đã đưa ra sáng kiến tổ chức một cuộc họp về tăng cường hợp tác giữa LHQ và ASEAN. Đây là lần đầu tiên HĐBA tán thành tổ chức một cuộc họp như vậy tại HĐBA để trao đổi nâng cao sự hiểu biết của HĐBA và cộng đồng quốc tế về vai trò tích cực của ASEAN trong khu vực cũng như trên thế giới, đồng thời thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hai tổ chức này.

Nhằm hiện thực hóa những ý tưởng này, theo đề nghị của Việt Nam, ngày 15/11/2020 một Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN - LHQ lần thứ 11 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo các nước ASEAN, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đánh giá cao những đóng góp tích cực của Việt Nam tại HĐBA và ghi nhận những đóng góp quan trọng của ASEAN vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế, trong đó có việc cử gần 5.000 quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ. Ông cũng đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong việc điều phối, dẫn dắt thành công các nỗ lực của ASEAN, hợp tác với các đối tác, ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 và khẳng định LHQ tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, giảm thiểu các tác động của Covid-19 đối với đời sống kinh tế, xã hội. Qua đó triển khai thành công khung phục hồi tổng thể, bao trùm, tự cường và bền vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, quan hệ ASEAN - LHQ đã trở thành hình mẫu cho hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực và nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - LHQ vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay, đóng góp hiệu quả cho phục hồi, tăng trưởng bền vững của thế giới.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai tốt nghiệp Khoa Phương Đông trường Đại học Tổng hợp Tashkent thuộc Liên Xô cũ. Là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, trong 37 năm công tác, ông đã làm việc tại nhiều nước Trung Đông, là Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.