Người dân vẫn chưa có thói quen thực hiện thủ tục hành chính qua mạng

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau đợt giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo của HĐND TP Hà Nội với các sở, ngành, quận, huyện về công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số nội dung cần khắc phục.

Nhiều người cao tuổi vẫn phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan, đơn vị để thực hiện thủ tục hành chính do trình độ công nghệ thông tin hạn chế
Nhiều người cao tuổi vẫn phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan, đơn vị để thực hiện thủ tục hành chính do trình độ công nghệ thông tin hạn chế

Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại nhà còn thấp

Kết quả giám sát cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, công tác cải cách hành chính (CCHC) của TP đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả nổi bật, tạo được chuyển biến rõ nét, toàn diện. Chỉ số CCHC của TP các năm 2021, 2022 luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước và có sự cải thiện hàng năm.

Nhiệm vụ về chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số được Chính phủ giao cho UBND cấp tỉnh thực hiện đã được UBND TP triển khai xây dựng thành nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể để giao trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện với nhiều chỉ tiêu được tăng so với chỉ tiêu quy định chung của Chính phủ.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu thành phần CCHC có dấu hiệu suy giảm, trong đó có chỉ số về công tác chỉ đạo điều hành CCHC xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tụt 16 bậc so với năm 2021. Chỉ số SIPAS chưa có sự cải thiện về xếp hạng...

Qua giám sát tại một số đơn vị cho thấy, thói quen và trình độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của người dân tại một số huyện ngoại thành còn chưa cao; nhiều người-phần lớn là người cao tuổi vẫn chưa có thói quen thực hiện thủ tục hành chính qua mạng tại nhà mà vẫn phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan, đơn vị.

Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn, giám sát tại Sở Nội vụ
Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn làm Trưởng đoàn, giám sát tại Sở Nội vụ

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, việc thực hiện CCHC, chuyển đổi số tại đơn vị vẫn còn một số tồn tại, trong đó có người dân chưa có thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dẫn đến nhiều hồ sơ trực tuyến hiện nay đều do công chức làm thay cho người dân khi đến nộp hồ sơ. Việc triển khai trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích chưa được người dân sử dụng do hồ sơ về đất đai (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) có giá trị lớn, người dân chưa tin tưởng để giao cho đơn vị bưu chính.

Đại diện UBND quận Hai Bà Trưng cũng thừa nhận thực tế, trên địa bàn trình CNTT của một số người dân lớn tuổi còn hạn chế nên dẫn đến việc tiếp cận với ứng dụng các phần mềm công nghệ chưa cao. Khi nộp hồ sơ kê khai các thủ tục qua mạng không đầy đủ các biểu mẫu quy định, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận của cán bộ tiếp dân (phải trả hồ sơ không đủ điều kiện hoặc trả hồ sơ bổ sung và hướng dẫn thực hiện nhiều lần). Công dân chưa biết điền hết nội dung, yêu cầu cần kê khai trong tờ khai dẫn đến kê khai sai nội dung, hồ sơ không đảm bảo. 

Người dân quen với việc khi tới làm thủ tục hành chính (TTHC) trực tiếp sẽ được cán bộ bộ phận một cửa tiếp, hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC gần nhà, thuận tiện trong việc nộp và nhận hồ sơ trực tiếp nên không muốn thực hiện qua dịch vụ công. Ngoài ra, người dân chưa quen với việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích, còn tâm lý e ngại khi tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích sẽ tốn thêm chi phí, thời gian đợi đơn vị bưu chính công ích vận chuyển...

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà giám sát tại quận Đống Đa
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà giám sát tại quận Đống Đa

Còn đại diện UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cho biết, trên địa bàn vẫn có những trường hợp vẫn làm TTHC trực tiếp, không qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Họ chủ yếu là người lớn tuổi, bố mẹ đi làm hộ cho con. Khi họ ra phường thì cán bộ vẫn phải hướng dẫn đăng ký dịch vụ công trực tuyến hoặc làm tay.

Thiếu nhân sự chuyên trách về công nghệ thông tin

Cùng với một số hạn chế về trình độ CNTT thì vấn đề thiếu nhân lực chuyên về lĩnh vực này cũng được nhiều sở, ngành, quận, huyện đề cập. Đặc biệt đối với khối xã hiện vẫn chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT. Đối với an toàn thông tin, hiện tại hầu hết các đơn vị đều chưa có cán bộ chuyên trách, chưa có quy định vị trí việc làm về an toàn thông tin.

Đại diện Sở Thông tin & Truyền thông cho biết, khối lượng công việc về chuyển đổi số lớn, nhưng nguồn nhân lực CNTT của đơn vị chuyên trách về CNTT tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã còn thiếu, khối xã chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa

Sở Thông tin & Truyền thông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan ban hành hướng dẫn về vị trí việc làm và biên chế công chức chuyên trách chuyển đổi số, CNTT, an toàn thông tin tại các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đặc biệt là tại cấp xã; Kiến nghị TP xem xét, bổ sung chỉ tiêu biên chế cán bộ làm công nghệ thông tin tại cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin cấp TP và UBND cấp xã.

Đồng thời, tiếp tục duy trì cơ chế hỗ trợ công chức, viên chức làm CNTT tại các cơ quan Nhà nước thuộc TP khi Chính phủ áp dụng chế độ lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương...

Tại quận Đống Đa, đại diện Phòng Nội vụ chia sẻ, số cán bộ, công chức trên địa bàn phường thiếu. Quận đề nghị, trong đội ngũ cán bộ phường cần có cán bộ chuyên trách về CNTT vì hiện các phường đều kiêm nhiệm, với khối lượng công việc nhiều thì kiêm nhiệm không thể đáp ứng được.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, lãnh đạo đơn vị cũng cho biết, biên chế được giao còn hạn chế, trong khi đó khối lượng công việc tương đối nhiều, cán bộ phải thực hiện kiêm nhiệm nhiều vị trí công tác, một số công việc còn chậm tiến độ so với yêu cầu đặt ra...

Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên giám sát tại quận Nam Từ Liêm
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phạm Quí Tiên giám sát tại quận Nam Từ Liêm

Xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT chuyên nghiệp, hiệu quả

Từ những thực tế nêu trên, qua giám sát, HĐND TP đã đề nghị UBND TP chỉ đạo các sở ngành chuyên môn, UBND các cấp thực hiện rà soát, báo cáo UBND TP để thực hiện đơn giản hóa TTHC đạt hiệu quả cao; chỉ đạo công bố và công khai TTHC được thực hiện nghiêm, đúng quy định, bảo đảm việc tiếp cận, thực hiện TTHC của tổ chức, cá nhân được đơn giản, thuận lợi. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC. Quan tâm, đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Chỉ đạo rà soát về cơ cấu, tổ chức bộ máy, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp. Rà soát các cơ chế, chính sách cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị của TP để tạo điều kiện trong hoạt động công vụ cũng như hỗ trợ tăng thu nhập cho đội ngũ này.

Đồng thời, chỉ đạo rà soát hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị CNTT, xây dựng đội ngũ cán bộ CNTT chuyên nghiệp, hiệu quả phục vụ hoạt động xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của TP.