Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần được đóng trở lại?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách tạo điều kiện để người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần quay trở lại đóng.

Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8868/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2023 về việc thực hiện Thông báo kết luận của UBTVQH về Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội trong tháng 9/2023. Để triển khai thực hiện Báo cáo Công tác dân nguyện của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các Bộ và UBND các tỉnh, TP thực hiện một số nhiệm vụ.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần quay trở lại đóng. Ảnh minh họa.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã rút bảo hiểm xã hội một lần quay trở lại đóng. Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, tự ý cắt giảm lao động, người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Đồng thời có cơ chế, chính sách tạo điều kiện để người lao động đã giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội.

Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động để hạn chế việc trục lợi hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, trong 10 tháng năm 2023, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là 947.322 người, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.

Giai đoạn 2016 – 2022, đã có khoảng 4,85 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trong đó số người quay trở lại đóng bảo hiểm xã hội là 1,24 triệu người (chiếm tỷ lệ 25,56% số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần).

Nguyên nhân chủ yếu khiến gần 950.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần là do DN gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng lao động thiếu việc làm, mất việc làm gia tăng. Đa số người lao động có thu nhập thấp, khả năng tích lũy không nhiều, phải đối mặt với các nhu cầu tài chính trước mắt rất lớn.

Cùng với nguyên nhân thiếu sự liên kết, hỗ trợ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp là niềm tin của người dân vào cơ quan bảo hiểm xã hội có dấu hiểu giảm sút khi có tình trạng thu bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật, nhân viên bảo hiểm xã hội trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội.

Một nguyên nhân nữa khiến người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là quy định điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu 20 năm để hưởng lương hưu là quá dài.

Để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu, thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đó là, giảm điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách Nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng.

Ngoài ra, trong thời gian người lao động bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.