Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã hoàn thành thỏa thuận ngừng bắn khu vực Idlib tại cuộc họp hôm 5/3 ở Moscow. Có 3 điểm chính được nêu ra trong thỏa thuận:
1. Ngừng tất cả các hành động quân sự dọc theo đường liên lạc trong khu vực giảm căng thẳng Idlib, bắt đầu từ 00h01 ngày 6/3/2020 (giờ Syria).
2. Một hành lang an ninh sẽ được thiết lập 6km ở 2 bên đường cao tốc M4. Các thiết lập cụ thể cho hoạt động của hành lang an ninh sẽ được thống nhất giữa Bộ Quốc phòng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 7 ngày.
3. Ngày 15/3/2020, việc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bắt đầu, dọc theo đường cao tốc M4 từ khu định cư Trumba (2km về phía Tây Saraqeb) đến khu định cư Ain al-Havr.
Từ đây, giới quan sát đưa ra nhận định về những bên hưởng lợi và bất lợi trong thỏa thuận này
Người thắng
Lực lượng Chính phủ Syria
Việc chấm dứt chiến sự mang lại cho lực lượng quân chính phủ thời gian để hồi sức cho giai đoạn nước rút.
Khi cuộc chiến được tăng cường ở Idlib trong những ngày gần đây, lực lượng quân chính phủ của Tổng thống Assad tỏ ra có phần lép vế hơn so với lực lượng mặt đất được hỗ trợ bởi pháo binh và máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số thiệt hại ước tính với Syria: Nhiều xe tăng đã bị phá hủy, 3 máy bay chiến đấu bị bắn hạ chỉ trong 72 giờ...
Lực lượng quân Chính phủ Syria cũng không còn đủ nhân lực để tiến hành đồng thời chiến dịch ở nhiều nơi, khi buộc phải ngừng cuộc tấn công 3 tuần trước ngay bên ngoài Dar Izza để chuyển lực lượng vào miền Nam Idlib.
Nga
Thỏa thuận mang lại cho Nga một cơ hội để tái định vị tại bàn cờ Syria và giữ mối quan hệ tương đối với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh 2 bên đang tiến gần hơn đến nguy cơ xung đột.
Bên cạnh đó, Moscow cũng quan tâm đến việc đảm bảo cho đường ống trị giá hàng tỷ USD vừa hoàn thành, sẽ chuyển khí đốt của Nga dọc theo biển Đen và vào miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó người Thổ sẽ phân phối khí đốt cho 15 triệu gia đình nước này và phía Đông châu Âu.
Thổ Nhĩ Kỳ
Việc ngừng bắn đã cho Ankara cơ hội để bảo toàn lực lượng, khi ít nhất 35 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng ở Idlib.
Ngoài ra, mối quan hệ với Moscow được duy trì không chỉ giúp Thổ Nhĩ Kỳ đảm bảo lợi ích trong thỏa thuận đường ống dẫn khí, mà còn giữ cho thương vụ tên lửa S-400 thành công. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cần được chuyển giao chuyên môn, đào tạo và phụ tùng từ Nga để S-400 hoạt động tốt.
Thỏa thuận còn là cơ hội để Thổ Nhĩ Kỳ giữ ổn định khu vực biên giới trước nguy cơ "vỡ trận" người di cư. Đây có thể được coi là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Erdogan trong nội bộ quốc gia.
Kẻ thua
Lực lượng nổi dậy
Tương tự như những lệnh ngừng bắn đã đề ra trước đây, không một chiến binh hay chỉ huy phiến quân nào được tham gia với vai trò là các bên trong thỏa thuận, đồng nghĩa với việc khó đạt được lợi ích nào đáng kể.
Tuy nhiên các lực lượng này cũng có xu hướng tận dụng thời điểm này để củng cố lực lượng, bao gồm bổ sung vũ khí, nhân lực - những điều không thể làm trong bối cảnh giao tranh căng thẳng.
Người tị nạn Syria
Trên lý thuyết, hàng triệu người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến thời gian qua sẽ có cơ hội trở về nhà nhưng thực tế nhà cửa, trường học và bệnh viện... đều đã bị phá hủy. Họ vẫn phải sống chen chúc trong lều ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, người tị nạn không trở về nhà do lo ngại lệnh ngừng bắn có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào, khi các thỏa thuận tương tự trước đó đã từng đột ngột đổ vỡ - một phần đến từ những lỗ hổng còn tồn tại. Chẳng hạn trong thỏa thuận mới nhất, điểm thứ 2 dề cập đến hành lang an ninh dù chưa được tất cả các bên thống nhất. Điểm thứ 3 lại phụ thuộc vào điểm 2 mới có thể được giải quyết.
Như vậy, kết quả cuộc họp hôm 5/3 giữa 2 nguyên thủ Putin - Erdogan gần như chỉ có giá trị như cú "đạp phanh" của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trước một cuộc xung đột tiềm tàng giữa các lực lượng đồng minh của 2 bên tại Syria.