Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nguy cơ tài chính tiềm ẩn đe dọa nền kinh tế thế giới

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chỉ trong vòng một năm, nhiều ngân hàng từng có nguy cơ phá sản, giờ đã bắt đầu làm ăn có lãi, nhờ hưởng những mức lãi suất sàn của ngân hàng trung ương và xu hướng tăng giá trên thị trường cổ phiếu.

KTĐT - Chỉ trong vòng một năm, nhiều ngân hàng từng có nguy cơ phá sản, giờ đã bắt đầu làm ăn có lãi, nhờ hưởng những mức lãi suất sàn của ngân hàng trung ương và xu hướng tăng giá trên thị trường cổ phiếu.

Báo Pháp "Chữ thập" số ra ngày 28/11 dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng, tuy cuộc khủng hoảng đã qua, nhưng vẫn còn những nguy cơ tài chính tiềm ẩn đe dọa nền kinh tế thế giới.

Theo báo này, cuộc khủng hoảng vừa qua cho thấy tình trạng tài chính toàn cầu ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế và việc làm. Hiện nay, các ngân hàng có vẻ như đang trên đà phục hồi. Chỉ trong vòng một năm, nhiều ngân hàng từng có nguy cơ phá sản, giờ đã bắt đầu làm ăn có lãi, nhờ hưởng những mức lãi suất sàn của ngân hàng trung ương và xu hướng tăng giá trên thị trường cổ phiếu.

Bối cảnh kinh tế hiện nay dường như cũng đã khá hơn, mặc dù tỉ lệ thất nghiệp vẫn tăng. Song các chuyên gia kinh tế Pháp cho rằng chưa thể loại trừ những mối nguy hiểm do cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua gây ra, thậm chí các biện pháp kích thích kinh tế của các nước có thể còn tạo ra những rủi ro khác.

Theo các nhà kinh tế, thế giới hiện đang phải đối mặt với 3 nguy cơ tiềm ẩn đó là hình thành những loại bong bóng mới, thiếu khả năng thanh toán nợ đúng hạn và nợ ngân sách tăng quá cao.

Về nguy cơ xuất hiện các bong bóng, biểu hiện đầu tiên là giá tài sản hay nguyên liệu, tất cả đều có xu hướng tăng lên trên thị trường thế giới. Các nhà phân tích kinh tế Pháp cho rằng nguyên nhân dẫn đến xu thế này là do tình trạng bơm tiền mặt vào thị trường để tránh một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, lượng tiền mặt này chỉ hỗ trợ phần nào cho các hoạt động vay tín dụng, phần dư thừa còn lại đã được đầu tư vào các thị trường tài sản, khiến giá cổ phiếu tăng.

Với đồng USD, người ta nhận thấy xu hướng quay trở lại của việc ứng dụng mô hình các nhà đầu tư vay vốn bằng tiền USD với một tỷ lệ gần bằng 0% và mang đi cho vay ở một số thị trường lớn khác, nơi tiền được vay với tỉ lệ cao hơn, để ăn chênh lệch lãi suất. Xu hướng này nếu tiếp tục duy trì sẽ khiến cho đồng tiền Mỹ ngày càng bị mất giá, còn giá trị các loại tiền địa phương lại càng tăng, gây nguy hiểm cho khả năng phục hồi kinh tế thế giới.

Còn tình trạng giá vàng lên cao đến mức bất thường như hiện nay, các nhà phân tích Pháp cho rằng một phần cũng là do hệ quả của việc đồng tiền USD suy yếu. Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, đồng USD vốn được coi là nơi bảo toàn vốn tốt nhất. Nhưng trong bối cảnh đồng tiền này ngày càng mất giá như hiện nay, các nhà đầu tư nhận thấy không còn sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài vàng và sau đó là các loại tài sản, đặc biệt là nguyên liệu.

Liên quan đến nguy cơ không thể thanh toán nợ đúng hạn, các ngân hàng có thể sẽ phải chịu những thiệt hại trong kinh doanh do sự "thất hẹn" này của khách hàng chuyên nghiệp hay cá nhân. Việc đồng USD mất giá, tín dụng bị xiết lại cùng với xu hướng giảm sút các đơn đặt hàng sẽ có thể dẫn các doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.

Về nợ ngân sách, các kế hoạch phục hồi kinh tế của các chính phủ khiến cho nợ ngân sách ngày càng lớn, đẩy thâm hụt ngân sách tăng thêm vài phần trăm GDP trong vòng một năm. Để trả nợ, các ngân hàng trung ương phải "sản xuất" tiền dẫn đến tính thanh khoản tăng.

Nguy cơ mất lòng tin vào giá trị tiền mặt sẽ khiến giới đầu tư nghĩ đến việc đầu cơ vào các tài sản thực để bảo toàn vốn. Ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp tư nhân và cả ngân hàng trung ương ở một vài nền kinh tế lớn, do không tin tưởng vào giá trị các loại tiền tệ, đã chuyển đổi chúng sang hàng hóa và nguyên liệu.

Ngoài ra, việc tung ra lượng tiền mặt lớn cũng có thể khiến cho lạm phát có nguy cơ quay trở lại, giống như các trường hợp đã xảy ra giữa hai cuộc đại chiến ở Đức, hay trong những năm 80 của thế kỷ trước ở Argentina./.