Nguy cơ từ cuộc đua đầu tư tại châu Á

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Danh sách 57 nước thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) vừa được công bố với không ít cái tên nổi tiếng về tiềm lực tài chính đã làm tăng sức nóng của cuộc đua chi tiền đầu tư cho hệ thống hạ tầng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Với số vốn 100 tỷ USD thay vì 50 tỷ USD như dự kiến, AIIB sẽ cung cấp tài chính cho các hoạt động xây dựng đường bộ, đường sắt, nhà máy điện và các mạng lưới viễn thông cần thiết cho sự phát triển của các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh khu vực Nam Á cần đầu tư khoảng 250 tỷ USD/năm để nâng cấp chất lượng cơ sở hạ tầng trong 10 năm tới, con số tương ứng của Đông Á là khoảng 600 tỷ USD/năm, vai trò và vị thế của các thành viên AIIB chắc chắn sẽ được nâng lên thông qua các dự án đầu tư.
AIIB sẽ đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng tại châu Á. Trong ảnh: Tuyến đường cao tốc tại Malaysia.
AIIB sẽ đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng tại châu Á. Trong ảnh: Tuyến đường cao tốc tại Malaysia.
Với việc AIIB trở thành một thế lực đối kháng của Trung Quốc, Nga với Mỹ và các đồng minh trong hệ thống tài chính toàn cầu, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cuối tháng qua đã thống nhất phương án để cân bằng thế cạnh tranh tại châu Á. Theo đó, Tokyo đang lên kế hoạch đưa ra sáng kiến mới nhằm thúc đẩy đầu tư trong việc tạo ra “cơ sở hạ tầng có chất lượng” ở châu Á thông qua sự phối hợp chặt chẽ với khu vực nhà nước và tư nhân của Nhật Bản. Ngoài ra, thông qua vai trò điều hành chủ chốt tại Ngân hàng Phát triển châu Á – Thái Bình Dương (ADB), Nhật Bản sẽ thúc đẩy để ADB tăng khoản cho vay và nguồn vốn thêm 20 tỷ USD/năm nhằm tăng tốc đầu tư cho giao thông, năng lượng, phát triển đô thị tại châu Á.

Tất nhiên trong cuộc đua đầu tư này, hệ thống cơ sở hạ tầng tại châu Á sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất nhưng không thể loại trừ những rủi ro trong quá trình cạnh tranh giữa các định chế tài chính. Bản thân Trung Quốc – thành viên sáng lập AIIB đang phải đối mặt với nguy cơ từ các khoản nợ xấu, bong bóng tín dụng ngày càng phình to. Ngay cả khi Trung Quốc tuyên bố đóng góp đến 49% vốn thì việc các thành viên đòi quyền giám sát để “AIIB hoạt động một cách minh bạch” là điều khó tránh khỏi.
Theo kế hoạch, từ ngày 20 - 22/5, các thành viên của AIIB sẽ tiến hành vòng họp trù bị cuối cùng tại Singapore trước khi ký kết điều lệ của ngân hàng vào cuối tháng 6/2015.

Câu chuyện Bắc Kinh hôm 4/5 vừa qua tuyên bố sẽ dùng USD làm đồng tiền cho các giao dịch của AIIB bất chấp tham vọng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc phần nào cho thấy những sóng gió mà định chế này sẽ gặp phải. Nhật Bản và sau lưng là đồng minh Mỹ cũng có những vấn đề của riêng mình. Vai trò điều hành của Washington trong Ngân hàng thế giới (WB) và Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã suy giảm tương ứng với tỷ lệ góp vốn của nước này. Trong khi Nhật Bản đang vất vả chống đỡ với việc phải in thêm tiền để bơm ra thị trường và đau đầu tìm cách neo tỷ giá đồng Yên ở mức thấp nhằm hỗ trợ cho việc xuất khẩu “giảm phát” với sự phản đối từ các nước láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần