Nhà đầu tư bán tháo tài sản rủi ro, cổ phiếu châu Á giảm điểm sau 3 phiên tăng liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên ngày 21/8 do nhà đầu tư gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang kéo dài.

Trong phiên giao dịch này, các nhà giao dịch đẩy mạnh bán tài sản rủi ro khi chưa dứt tâm lý lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt sau tuyên bố mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump cho thấy Mỹ không có dấu hiệu lùi bước trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Tổng thống Trump ngày 20/8 tuyên bố thế đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Trung quốc về thương mại là cần thiết, đồng thời cho biết phía Trung Quốc vẫn muốn có một thỏa thuận. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cho biết chưa sẵn sàng có thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh. Ông Trump cũng xác nhận chính quyền Washington đang xem xét  cắt giảm thuế bảng lương để kích thích tăng trưởng kinh tế .
 Chứng khoán châu Á quay đầu đi xuống trong phiên 21/8.
Tại thị trường châu Á, chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,2%, sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 0,6%. Trong khi đó, tại thị trường Australia, chỉ số chứng khoán sụt hơn 0,8% và chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc cũng đi xuống.
Bên cạnh căng thẳng thương mại, những bất ổn chính trị ở Anh và Italia cũng đè nặng lên tâm lý của các nhà đầu tư trong phiên giao dịch này.
Ngày 20/8, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã tuyên bố từ chức sau khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, đồng thời là lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn (Lega), hồi đầu tháng này đã đề xuất tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Conte và tiến hành bầu cử sớm.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng khép phiên 20/8 trong vùng âm, kết thúc chuối 3 phiên tăng liên tiếp, giữa bối cảnh vẫn còn những quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm.
Chốt phiên ngày 20/8, chỉ số Dow Jones rớt 173,35 điểm (tương đương 0,7%) xuống 25.962,44 điểm, chỉ số S&P 500 sụt 0,8% còn 2.900,51 điểm và chỉ số Nasdaq Composite hạ 0,7% xuống 7.948,56 điểm. Các chỉ số chính đều rơi xuống đáy trong phiên ở những phút cuối của phiên giao dịch khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng suy yếu.
Thị trường đang chờ đợi biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 dự kiến được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố trong tuần này.
Chìa khóa cho thị trường trong thời điểm hiện tại là liệu các cam kết về chính sách kích thích của chính phủ Đức và Trung Quốc có đủ để xoa dịu những lo ngại về tình trạng của nền kinh tế toàn cầu và chấm dứt nỗi lo suy thoái.
Các nhà đầu tư lo ngại về biên bản cuộc họp chính sách ngày 30-31/7 mà FED sẽ công bố trong ngày 21/8. Tại cuộc họp cuối tháng trước, FED đã quyết định cắt giảm lãi suất nhưng Chủ tịch FED Jerome Powell lại phát đi những tín hiệu không rõ ràng về việc liệu có cắt giảm thêm lãi suất trong năm nay hay không. Chủ tịch Powell dự kiến có bài phát biểu tại hội nghị chuyên đề ở Jackson Hole, Wyoming vào ngày 23/8 tới. 
Chuyên gia kinh tế Ellen Zentner của Morgan Stanley khuyên khách hàng nên theo dõi việc sử dụng từ "phần nào" khi Chủ tịch FED Powell mô tả các điều chỉnh chính sách tiếp theo.
"Việc FED công nhận rằng các rủi ro đối với nền kinh tế gia tăng mà không sử dụng thêm cụm từ trên có thể được xác nhận rằng FED có thể sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn vào tháng 9" – chuyên gia Zentner viết trong một lưu ý hôm 21/8.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá đồng yen Nhật vẫn mạnh so với USD, hiện ở mức 1 USD đổi được 106,24 yen.
Chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đạt 98,208 điểm, rời khỏi mức cao nhất 3 tuần thiết lập trong phiên trước đó./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần