Chốt phiên giao dịch ngày 6/5, chỉ số Dow Jones chấm dứt chuỗi 3 ngày tăng liên tiếp khi mất 218,45 điểm (tương đương 0,9%) xuống 23.664,64 điểm. Chỉ số này đã trượt xuống mức đáy trong phiên ngay trong giờ giao dịch cuối cùng. Chỉ số S&P 500 cũng hạ 0,7% xuống 2.848,42 điểm. Cả 2 chỉ số này đều tăng điểm vào đầu phiên. Tuy nhiên, chỉ số Nasdaq Composite lại tăng 0,7% lên 8.854,39 điểm khi các cổ phiếu công nghệ lớn nới rộng đà tăng trong những phiên gần đây.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/5, chỉ số Dow Jones chấm dứt chuỗi 3 ngày tăng liên tiếp khi mất 218,45 điểm. |
Cổ phiếu Facebook và Netflix nhích 0,7% và 2,3%. Cổ phiếu Amazon cũng nhảy vọt 1,4% so với tham chiếu, còn Apple chốt phiên giao dịch tăng hơn 1%.
Thị trường chứng khoán Mỹ chịu áp lực trong phiên giao dịch này khi giá dầu dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Đà sụt giảm khiến nhóm năng lượng trong S&P 500 giảm 2,6%. Cổ phiếu Occidental Petroleum hạ 12,5%, trong khi Helmerich and Payne cũng giảm hơn 6%.
"Thị trường đang theo dõi quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế", Quincy Krosby, chiến lược gia trưởng tại Prudential Financial, cho biết.
Một số bang tại Mỹ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội. Bang California sẽ cho phép các cơ sở kinh doanh không thiết yếu như cửa hàng quần áo, sách và hoa tươi được mở cửa hạn chế kể từ ngày 8/5 tới. Bang New York cũng dự định nới lỏng biện pháp hạn chế với lĩnh vực sản xuất, xây dựng và một số ngành bán lẻ từ tuần sau.
Nhà đầu tư hưng phấn vì triển vọng nền kinh tế hồi phục trong tương lai gần nhưng đồng thời cũng cân nhắc khả năng dịch Covid-19 bùng phát đợt hai. Bên cạnh đó, số liệu việc làm ảm đạm cho thấy tác động vẫn còn nghiêm trọng.
Hiện nay Mỹ là tâm dịch Covid-19 lớn nhất thế giới với hơn 1,22 triệu người xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 và 73.000 người tử vong, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Số ca nhiễm bệnh Covid-19 mới thời gian gần đây đã ngừng tăng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 5/5 cho biết "sẽ có nhiều ca tử vong hơn" vì dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, ông Trump cũng lập luận rằng việc không mở cửa trở lại nền kinh tế cũng sẽ khiến mọi người phải trả giá bằng những cách khác.
Báo cáo từ ADP và Moody’s Analytics cho biết khu vực tư nhân tại Mỹ đã cắt giảm 20,2 triệu việc làm trong tháng trước. Đây là mức cao nhất từng được họ ghi nhận. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn ước tính 22 triệu việc làm bị mất từ Dow Jones.
"Đây là vấn đề khi chính phủ buộc doanh nghiệp phải đóng cửa và người tiêu dùng sợ ra ngoài", Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho biết, "Khi mọi thứ mở cửa trở lại, nhiều công việc trong số này sẽ được khôi phục nhưng chắc chắn khó có thể được như giai đoạn trước khủng hoảng"./.