Nhà đầu tư tăng tốc bán tháo cổ phiếu, chứng khoán Mỹ có tuần tệ nhất 3 tháng

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm hơn 3% - mạnh nhất kể từ tháng 10/2020 do thị trường lo ngại về giao dịch đầu cơ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày 29/1 khi nhà đầu tư lo ngại sự gia tăng trong giao dịch đầu cơ cổ phiếu như GameStop có thể làm tổn hại tới thị trường chung.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 620,74 điểm (tương đương 2%) xuống 29.982,62 điểm, lần đầu rớt mốc 30.000 điểm kể từ ngày 14/12/2020. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 sụt 1,9% xuống 3.714,24 điểm khi 10 lĩnh vực thuộc chỉ số này ghi nhận sắc đỏ. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2% còn 13,070,69 khi cổ phiếu Apple sụt 3,7% và các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác cũng đi xuống.
Chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong 3 tháng.
Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều giảm hơn 3% trong tuần này, ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2020. Tính từ đầu tháng đến nay, Dow Jones và S&P 500 lần lượt hạ 2% và 1,1%, chứng kiến tháng lao dốc đầu tiên trong 4 tháng. Trong khi đó, Nasdaq Composite tăng 1,4% trong tháng này.
Cổ phiếu GameStop đã leo dốc 67,9% sau khi công ty môi giới Robinhood nói rằng sẽ nới lỏng hạn chế giao dịch. Robinhood đã huy động được hơn 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư hiện tại của mình để đảm bảo có đủ vốn để cho phép một số giao dịch trở lại ở những cổ phiếu biến động mạnh như GameStop.
Giới đầu tư lo ngại rằng nếu GameStop tiếp tục tăng nóng và thiếu bền vững như mấy tuần qua, hệ quả tiêu cực có thể lan rộng ra toàn thị trường tài chính, buộc các quỹ đầu cơ bán khống GameStock phải bán nhiều cổ phiếu khác để huy động được tiền bù lỗ.
Bên cạnh đó, đợt bán tháo cổ phiếu tái diễn trong phiên này khi nhà đầu tư thận trọng cho rằng, đà tăng quá nóng của cổ phiếu GameStop là một dấu hiệu bong bóng và có thể gây ra nhiều biến động trong ngắn hạn. Một số nhà lập pháp đã kêu gọi điều tra giao dịch cổ phiếu GameStop.
Ông Matt Maley, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty quản lý quỹ Miller Tabak, nhận định: "Hệ thống tài chính vay nợ quá lớn và chúng ta đang bắt đầu chứng kiến những đòn bẩy quá đà này gây ra những thách thức cho thị trường Phố Wall và các tài sản rủi ro khác, điều này không chỉ kéo dài một vài ngày".
Biến động tăng vọt trong tuần này khi sự điên cuồng trong giao dịch bán lẻ đã khiến sàn Phố Wall rung lắc mạnh. Dow Jones sụt hơn 600 điểm vào ngày 27/1, chứng kiến phiên bán tháo mạnh nhất trong 3 tháng. Sau đó, chỉ số này đã phục hồi 300 điểm ở phiên tiếp theo khi thị trường khởi sắc trở lại. Chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX) - thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, vọt trên 33 điểm trong ngày 29/1.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến khối lượng giao dịch cao nhất trong nhiều năm khi cơn sốt cổ phiếu gia tăng. Vào ngày 27/1, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường đạt hơn 23,7 tỷ cổ phiếu, vượt mức thời kỳ đỉnh điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Phiên 28/1 cũng ghi nhận khối lượng giao dịch lớn với hơn 19 tỷ cổ phiếu được truyền tay.
Trong một diễn biến khác, giới đầu tư cũng thất vọng với báo cáo thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược Johnson & Johnson cho thấy kết quả không cao như kỳ vọng.
Cổ phiếu Johnson & Johnson giảm 3,9% sau khi hãng dược phẩm này cho biết vaccine đơn liều của họ có hiệu quả 72% trong ngăn chặn Covid-19 tại Mỹ. Tỷ lệ này trên toàn cầu là 66%. Các số liệu trên đều thấp hơn đáng kể so với 95% của Pfizer Inc/BioNTech và Moderna, với loại vaccine phải tiêm 2 liều.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần