Theo CNBC, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vượt mốc 2,79% trong phiên đầu tuần, mức cao nhất kể từ năm 2019, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuẩn bị tâm lý cho nhà đầu tư về một chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trong thời gian tới.
Chịu tác động mạnh nhất từ sự leo thang của lãi suất trong phiên này là nhóm cổ phiếu công nghệ. Chốt phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Nasdaq Composite sụt 2,18% xuống còn 13.411,96 điểm. Chỉ số Dow Jones mất 413,04 điểm, tương đương 1,19%, về mức 34.308,08 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 1,69% xuống 4.412,53 điểm.
Sau giai đoạn khởi đầu không thuận lợi đầu năm khiến Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống, chỉ số này đã phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3 với mức tăng 3,4%. Tuy nhiên, đà bán tháo quay trở lại với nhóm cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu tăng trưởng khác trong tháng 4 đã đẩy chỉ số Nasdaq mất hơn 5% điểm số tính từ đầu tháng đến nay. So với mức đỉnh mọi thời đại, chỉ số này hiện giảm 17%.
Chiến lược gia trưởng Art Hogan của National Securities nhận định: “Những diễn biến trên sàn Phố Wall trong phiên giao dịch hôm nay đều phản ánh thay đổi của lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ. Và thật khó để dự đoán liệu điều gì sẽ phá vỡ chu kỳ này trong ngắn hạn trừ phi lợi suất ổn định trở lại hoặc bắt đầu giảm xuống một chút”.
Những lo ngại về lãi suất tăng cao hơn đã khiến nhà đầu tư từ bỏ các cổ phiếu tăng trưởng, chẳng hạn như nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà suy giảm với Microsoft mất 3,9%. Cổ phiếu sản xuất chất bán dẫn như Nvidia và Advanced Micro Devices lần lượt sụt 5,2% và 3,6%.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu cũng chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2/2022 vì nhà đầu tư lo ngại lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 ở Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến phục hồi nhu cầu năng lượng toàn cầu. Cổ phiếu dầu khí cũng ghi nhận phiên giao dịch ảm đạm, với Occidental Petroleum hạ gần 6,3%; Diamondback Energy mất 4,8%; và ConocoPhillips sụt 4,9%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu hàng không lại có phiên giao dịch khởi sắc. Delta Air Lines vọt 4%, Alaska Air Group tăng 1%, American Airlines cộng 2,3%; Southwest Airlines cộng 3,4%, và United Airlines Holdings chốt phiên với mức tăng 1,1%.
Nhà đầu tư cổ phiếu đang chờ số liệu lạm phát tháng 3 của Mỹ dự kiến công bố trong ngày 12/). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được dự báo tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Dow Jones, và đây sẽ là mức đỉnh mới của 40 năm. Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng thận trọng trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 sẽ bắt đầu khởi động vào cuối tuần này, với các ngân hàng lớn sẽ tiên phong.
FED được dự báo sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, phát biểu trên đài CBS hôm Chủ nhật, Chủ tịch FED chi nhánh Cleveland, bà Loretta Mester, nói rằng FED vẫn có thể đưa lạm phát về tầm kiểm soát mà không gây ra thiệt hại lớn cho tăng trưởng kinh tế.
“Nếu nhìn vào các rủi ro, với những gì đang xảy ra trên thế giới và đối với nền kinh tế Mỹ, có thể thấy rằng rủi ro suy thoái đã tăng lên. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan, và tin rằng sự tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ duy trì trong năm nay” - bà Mester cho biết.
Vị quan chức FED lưu ý thêm rằng các đợt phong tỏa chống Covid-19 ở Trung Quốc sẽ làm “trầm trọng thêm” vấn đề chuỗi cung ứng - một nguyên nhân khiến lạm phát tăng cao ở Mỹ.