Một số thông tin cho biết các công ty Nhật Bản có thể đang dần từ bỏ suy nghĩ giảm phát khi những công ty này vẫn đang tăng giá của tất cả mọi hàng hóa từ nhiên liệu đến thực phẩm. Điều này xuất phát từ việc họ đang phải gánh chịu những áp lực nặng nề từ lạm phát do sự tăng chi phí.
Trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng cơ bản toàn quốc (CPI) của nước này, bao gồm chi phí nhiên liệu, đã loại bỏ giá của thực phẩm tươi sống dễ biến động, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức tăng 3,5% mà các nhà kinh tế dự kiến và tăng nhanh so với mức tăng 3,0% của tháng trước. Đây được xem là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 2 năm 1982.
Mức tăng trưởng CPI vẫn luôn cao hơn mức lạm phát mục tiêu 2% mà Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đặt ra trong tháng thứ bảy liên tiếp.
Tuy nhiên, bất chấp áp lực gia tăng giá cả, vốn là mối lo ngại ngày càng tăng đối với các hộ gia đình, BOJ vẫn sẽ không tham gia vào việc thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu thông qua tăng lãi suất.
Vào hôm thứ năm, ông Haruhiko Kuroda, Thống đốc ngân hàng BOJ đã đề cập lại cam kết nhằm duy trì kích thích tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế vốn đang suy yếu do lạm phát và hứng chịu những suy thoái từ đại dịch Covid-19.
Ông Haruhiko Kuroda đã đưa ra lập luận rằng chi phí hàng hóa toàn cầu tăng chiếm một nửa nguyên nhân khiến giá tăng và lạm phát do nguyên nhân này sẽ không kéo dài.
Lạm phát tiêu dùng của Nhật Bản có thể sẽ đạt 3% trong năm tài chính sẽ kết thúc vào tháng 3 tới, con số này sẽ giảm xuống còn 2% vào năm tài chính tiếp theo khi giá cả hàng hóa và các yếu tố đẩy chi phí đang dần trở lại bình thường, ông cho biết thêm.
Một tín hiệu khác cho thấy các nhà thầu phụ đang phải vật lộn với áp lực giá bán buôn, khi mà chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI) đã tăng 9,1% trong năm tính đến tháng 10.