Nhật Bản tiếp tục thâm hụt thương mại

Thu Hiền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thâm hụt thương mại của Nhật Bản vẫn tiếp diễn trong tháng 3, do giá dầu tăng cao và đồng yên tiếp tục mất giá.

Trong tháng 3 vừa qua, Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại do đồng yên mất giá, chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao. Ảnh: AP
Trong tháng 3 vừa qua, Nhật Bản ghi nhận thâm hụt thương mại do đồng yên mất giá, chi phí nhập khẩu năng lượng tăng cao. Ảnh: AP

Tháng 2/2022, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã thâm hụt 670 tỷ yên. Con số này đã giảm xuống 412 tỷ yên (3,2 tỷ USD) vào tháng 3, nhưng lại cao gấp 4 lần so với ước tính trước đó của các nhà phân tích kinh tế. Trong tháng 3/2022, xuất khẩu của Nhật Bản tăng 15%, lên 8,46 nghìn tỷ yên (65 tỷ USD) trong khi nhập khẩu tăng lên 8,9 nghìn tỷ yên (68 tỷ USD).

Chi phí nhập khẩu các loại nhiên liệu như dầu, khí đốt và than đá tăng hơn 80% so với năm trước, nhập khẩu thực phẩm tăng 22% và nhập khẩu hóa chất tăng 42%. Trong khi đó, xuất khẩu xe của Nhật Bản giảm 1,2%, số lượng xe vận chuyển ra nước ngoài giảm hơn 14%.

Các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản và các ngành sản xuất khác đang phải vật lộn với việc cắt giảm sản lượng do sự gián đoạn nguồn cung linh kiện và chip máy tính trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Đồng yên mất giá giúp hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn ở nước ngoài và làm tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Tuy nhiên, điều này cũng làm tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi sau khi nguồn cung ổn định và giá dầu giảm xuống. Tuy nhiên các đơn đặt hàng xuất khẩu có xu hướng giảm, cho thấy tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4 của nền kinh tế lớn này vẫn còn yếu.

Dữ liệu sơ bộ của năm tài chính kết thúc vào tháng 3 cho thấy xuất khẩu tăng gần 24% nhưng không thể vượt được nhập khẩu, có mức tăng là 33%. Nhật Bản thâm hụt tài chính 5,4 nghìn tỷ yên (gần 42 USD), đây là mức cao nhất trong 7 năm qua.

Sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, đồng yên sụt giá so với đồng đô la. Tỷ giá cao hơn làm thu hút các nhà đầu tư mua đô la và bán các loại tiền tệ khác như đồng yên.

Bất chấp giá hàng nhập khẩu tăng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% trong nhiều năm, cố gắng kéo nền kinh tế nước này thoát khỏi tình trạng ảm đạm do dân số già đi và có dấu hiệu thu hẹp.

Điều này có nghĩa Nhật Bản đang phải chi nhiều tiền hơn cho hàng nhập khẩu trong khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine và nhu cầu phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 của các nước tăng, đẩy giá dầu và các mặt hàng khác lên cao.

Theo các số liệu, hóa đơn nhập khẩu các loại nhiên liệu như dầu, khí đốt và than đá đã tăng 87% trong năm tài chính vừa qua. Giá dầu thô cao hơn khoảng 40% chỉ trong năm nay, trong khi đó giá dầu thô chuẩn của Mỹ giao dịch quanh mức 100 USD/thùng và dầu thô Brent có giá cao hơn một chút do quốc tế định giá.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần