Vì sao những thông tin riêng tư (tên tuổi, địa chỉ, trường, lớp, số điện thoại của các em học sinh và gia đình…) ấy lại bị lộ, lọt công khai?
Điểm chung của những vụ lừa đảo gần đây là các đối tượng thu thập đủ thông tin về tên, lớp và trường con đang theo học sau đó gọi điện tiếp cận phụ huynh. Lợi dụng tâm lý lo sợ, thậm chí là hoảng loạn của phụ huynh khi nghe tin con em mình bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện, các đối tượng yêu cầu phụ huynh chuyển tiền gấp để “đóng viện phí”. Rất nhiều phụ huynh đã sập bẫy chiêu lừa tinh vi này.
Không chỉ sử dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, nhiều đối tượng còn rao bán bất hợp pháp thông tin chuyến bay, thông tin vay ngân hàng, nhu cầu mua sản phẩm, mua nhà... của các cá nhân. Đáng nói là tất cả các hành vi kể trên vẫn đang diễn ra ngang nhiên và công khai, pháp luật hiện cũng chưa có chế tài xử lý đủ mạnh, đủ sức răn đe các đối tượng có hành vi vi phạm này.
Phân tích của TS Chu Thị Hoa - Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) đã chỉ ra mức phạt hành chính nặng nhất theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP hiện nay mới là 70 triệu đồng; mức phạt hình sự nặng nhất là 200 triệu đồng; thậm chí trong trường hợp xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát thì cũng chỉ bị phạt tối đa 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
So sánh với quy định chung về bảo vệ dữ liệu do Ủy ban châu Âu xây dựng (GDPR) áp dụng mức phạt lên tới 20 triệu Euro, tương đương 500 tỷ đồng thì có thể thấy, mức phạt trong luật pháp Việt Nam còn quá nhẹ, trong khi hậu quả từ hành vi xâm phạm quyền riêng tư có thể rất nghiêm trọng, gây tổn hại tới danh dự, nhân phẩm, an toàn và cả tính mạng của không chỉ một mà có thể là nhiều nạn nhân.
Từ thực tế này, TS Chu Thị Hoa đề xuất phải bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ đối với dữ liệu cá nhân trong Bộ luật Hình sự.
Không thể để các đối tượng ngang nhiên sử dụng, mua bán thông tin dữ liệu cá nhân, thực hiện chiêu trò lừa đảo để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự cá nhân của người dân. Khoảng trống pháp luật về nội dung này cần sớm được bù lấp theo hướng gia tăng mức phạt trong cả xử lý hành chính và hình sự, đồng thời đảm bảo hiệu quả giải quyết vụ việc theo cơ chế luật, đó là khởi kiện dân sự…
Bên cạnh đó, chính người dùng cũng cần thận trọng hơn khi chia sẻ thông dữ liệu của mình trên môi trường số, chủ động tìm hiểu các biện pháp bảo vệ an toàn cho các tài khoản trực tuyến. Đặc biệt, các phụ huynh hãy giám sát, giáo dục con em mình ý thức bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội.
Việc đăng tải quá nhiều thông tin về trường lớp, gia đình, bạn bè… ngay cả việc các bố mẹ thường xuyên "khoe con" trên môi trường mạng cũng là “con dao hai lưỡi” bởi nhà vận hành mạng xã hội có thể thu thập thông tin người dùng thành cơ sở dữ liệu và bán lại cho các cá nhân, tổ chức, DN khác.
Vấn đề này đã từng được cảnh báo bởi các chuyên gia an ninh mạng, đáng tiếc là đến nay đa phần người dùng vẫn chưa thực sự quan tâm và cảnh giác. Chỉ đến khi dữ liệu cá nhân của con em mình, bản thân mình bị rò rỉ bởi rất nhiều đối tượng xấu, khi các vụ lừa đảo rộ lên họ mới thực sự lo sợ!