Nhiễm liên cầu khuẩn lợn: Biến chứng khó lường

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bệnh liên cầu lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Tỷ lệ tử vong do liên cầu khuẩn lợn gây ra khoảng 7%.

Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn, phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người.

Cứu bệnh nhân người Trung Quốc thoát cửa tử do liên cầu khuẩn

Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã cấp cứu thành công một ca sốc phản vệ độ II. Nguyên nhân được xác định là do người đàn ông này đã ăn lòng lợn, tiết canh.

Trường hợp bị sốc phản vệ phải cấp cứu tại TTYT huyện Sóc Sơn là ông L.Q.H.S. (51 tuổi), trú tại xã Phù Linh. Ông S. nhập viện trong tình trạng toàn thân da mẩn đỏ; tức ngực; khó thở; huyết áp đo được 150/90mm Hg; mạch nhanh 124 nhịp/phút; tần số thở 35 lần/ phút, chỉ số Sp02 là 92%.

Theo lời kể của ông S., trước khi vào cấp cứu tại TTYT huyện khoảng 1 giờ, ông đã ăn lòng lợn, tiết canh. Bệnh nhân S. cũng cho biết, bản thân có tiền sử khoẻ mạnh, không bị dị ứng.

Sau khi chẩn đoán bệnh nhân có triệu chứng sốc phản vệ độ II, kíp bác sĩ do bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Phó phụ trách Phòng khám Đa khoa Trung Tâm làm kíp trưởng đã ngay lập tức tiến hành cấp cứu, xử trí phản vệ khẩn cấp cho bệnh nhân theo phác đồ của Bộ Y tế.

Sau 1 giờ được cấp cứu tích cực, bệnh nhân S. dần có tiến triển tốt. Dấu hiệu mẩn đỏ trên da đã dịu lại, đỡ khó thở, tức ngực, các chỉ số sinh tồn như: Huyết áp, mạch, oxy trong máu được đưa về mức ổn định. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn. Sau 3 giờ, tình trạng bệnh nhân ổn định.

Bệnh nhân L.Q.H.S. (51 tuổi), trú tại xã Phù Linh bị sốc phản vệ phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn do ăn lòng lợn, tiết canh.
Bệnh nhân L.Q.H.S. (51 tuổi), trú tại xã Phù Linh bị sốc phản vệ phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn do ăn lòng lợn, tiết canh.

Trước đó, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cũng đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân người Trung Quốc bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn thoát nguy cơ tử vong.

Bệnh nhân người Trung Quốc 52 tuổi được chuyển điều trị từ TTYT TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng tỉnh, sốt rét run trên 38 độ C, đau lưng thượng vị và hạ sườn phải lan ra sau lưng. Kết quả chụp CT scaner ổ bụng có hình ảnh giãn đường mật trong và ngoài gan, ống mật chủ đoạn đầu giãn 10mm, đoạn đầu tụy có sỏi tăng tỳ trọng KT 11mm.

Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng ban đầu, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng đường mật do tắc sỏi ống mật chủ, chỉ định can thiệp đặt stent đường mật xử trí. Sau can thiệp, bệnh nhân vẫn xuất hiện cơn sốt rét run, xét nghiệm cấy máu xác định bệnh nhân dương tính với liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis).

Các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa Ngoại – Truyền nhiễm – Quốc tế và điều trị theo yêu cầu kết luận tình trạng nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn/nhiễm trùng đường mật.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh tích cực theo phác đồ tại Khoa Quốc tế và điều trị theo yêu cầu. Sau 12 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, xét nghiệm chỉ số nhiễm trùng cải thiện, không để lại di chứng của viêm màng não.

Bác sĩ Hoàng Thị Nhung -  Khoa Quốc tế và điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh nhân người Trung Quốc có bệnh cảnh điển hình nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do nhiễm liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis).

Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Đường lây nhiễm có thể thông qua đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể do người bệnh ăn tiết canh, thịt sống hoặc qua đường tiếp xúc với máu, dịch tiết, thịt lợn sống thông qua vết thương trầy xước từ da, niêm mạc của người.

Bệnh cảnh lâm sàng thường gặp là nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vi liên cầu khuẩn lợn.

Nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong nhanh chóng. Di chứng viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn để lại khiến người bệnh có thể bị điếc, đau đầu…

Qua trường hợp này, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, lòng lợn và thịt lợn chưa được nấu chín , không ăn thịt lợn chết hoặc bị bệnh.

Đối với người chăn nuôi và giết mổ thường xuyên tiếp xúc với dịch tiết, máu, thịt lợn sống  cần thực hiện vệ sinh cá nhân trang bị bảo hộ lao động, giữ tay không bị trầy xước và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với lợn để tránh vi khuẩn xâm nhập.

Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn. Thường xuyên cọ rửa chuồng gia súc và tẩy uế bằng dung dịch diệt khuẩn. Xử lý phân hợp lý tránh đào thải mầm bệnh ra ngoại cảnh…

Chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, bệnh liên cầu lợn thường có xu hướng tăng lên vào những tháng cuối năm và đầu năm âm lịch.

Người dân thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh.

Bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy phục hồi sức khỏe tốt.
Bệnh nhân người Trung Quốc điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy phục hồi sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, thực tế, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh. Vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, ít gây bệnh cho con vật. Bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.

Bệnh liên cầu lợn có diễn biến rất nhanh chóng, có thể gây 2 thể: Thể viêm màng não mủ và thể nhiễm khuẩn huyết, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa tạng. Không chỉ ăn tiết canh, thịt tái sống, nuôi hay tham gia giết mổ mà ngay cả việc tiếp xúc với lợn ốm, lợn chết mà không có phương tiện phòng hộ phù hợp cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn thông qua các tổn thương, vết trầy xước trên da.

“Do đó, người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín…; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề… Ngoài ra, người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định” - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, cách tốt nhất để tránh lây nhiễm liên cầu khuẩn lợn là phòng bệnh. Bởi, khi người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến rất nhanh, gây sốc nhiễm khuẩn, hôn mê và suy đa phủ tạng. Bệnh chưa có vaccine phòng bệnh, mà chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023, đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, TP.

Trước đó, tháng 2/2023, trên địa bàn Hà Nội cũng đã ghi nhận trường hợp đầu tiên bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn trong năm nay. Đó là nam bệnh nhân 52 tuổi ở quận Hà Đông, làm nghề bán lòng lợn tiết canh.

Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch.

Đặc biệt, Cục Y tế dự phòng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn. Khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch...

Bên cạnh đó, Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị Sở Y tế các địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát, phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh. Từ đó, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.

Để phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo, người dân không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn. Ngoài ra, có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc...

 

Người có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh liên cầu lợn như: Sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương