Nhiều nước nới lệnh phong tỏa, giá dầu thế giới tiếp tục tăng vọt

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong phiên 6/5 nhờ tâm lý lạc quan rằng tình trạng dư cung sớm hạ nhiệt khi nhiều nước nới lỏng lệnh phong tỏa.

Cụ thể, trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent tăng 79 xu Mỹ, tương đương 2,6%, lên mức 31,76 USD/thùng, ghi nhận phiên leo dốc thứ 6 liên tiếp. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 88 xu Mỹ, tương đương 3,6%, lên ngưỡng 25,44 USD/thùng, chứng kiến phiên leo dốc thứ 5 liên tiếp.
 Giá dầu Brent có phiên tăng thứ 6 liên tiếp trong ngày 6/5.
Giá dầu Brent hiện đã tăng gần gấp đôi kể từ mức đáy 21 năm ghi nhận trong ngày 22/4, nhờ kỳ vọng nhu cầu sẽ nhanh chóng phục hồi và nỗ lực cắt giảm sản lượng kỷ lục của các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Thị trường “vàng đen” khởi sắc trong những ngày gần đây khi nhu cầu nhiên liệu ở một số bang của Mỹ và nhiều quốc gia khác, gồm: Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ấn Độ và Thái Lan được dự báo tăng trở lại sau khi các quốc gia này nới lỏng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội; cho phép người lao động trở lại làm việc, các công trường xây dựng, công viên và thư viện hoạt động bình thường trở lại.
“Rõ ràng, sự lạc quan từ việc khởi động lại nền kinh tế toàn cầu đã hỗ trợ tích cực cho đà phục hồi của giá dầu” - nhà phân tích năng lượng Naeem Aslam tại Avatrade nhận xét.
Những ngày đầu tháng 5, thị trường dầu mỏ đón nhận tin tốt khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+ thực hiện cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích lưu ý rằng tình trạng dư cung có thể vẫn kéo dài trong ngắn hạn. Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu tháng 4 ước giảm tới 30% và sự phục hồi của nhu cầu dầu mỏ có thể rất chậm do tình trạng hàng loạt máy bay của các hãng hàng không được dự báo vẫn “nằm đất” trong nhiều tháng tới.
Viện Dầu khí Mỹ hôm 5/5 cho biết lượng dầu tồn kho của nước này đã tăng 8,4 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự kiến của giới phân tích.
Lachlan Shaw, chuyên gia nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia Australia, không phủ nhận những tín hiệu tích cực tác động lên giá dầu, nhưng khẳng định rất khó để tái cân bằng cung cầu.
Một minh chứng cho nhận định của Lachlan Shaw là Diamondback Energy, doanh nghiệp chế biến dầu đá phiến tại Mỹ, nói rằng họ sẽ xem xét khôi phục kế hoạch khai thác nếu dầu WTI giữ giá trên 30 USD/thùng. Các nhà sản xuất đang nóng lòng muốn quay trở lại hoạt động.
Bên cạnh đó, ý tưởng cắt giảm sản lượng của “vựa dầu” Texas của Mỹ khó thành hiện thực. Ủy ban Đường sắt Texas - cơ quan quản lý năng lượng của bang Texas - dự kiến bỏ phiếu cắt giảm 20% sản lượng dầu mỏ của toàn bang trong ngày 5/5.
Hiện đề xuất cắt giảm sản lượng dầu mỏ Texas vấp phải sự phản đối gay gắt của các tập đoàn kinh doanh dầu mỏ và các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ./.