Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhiều nước nới lỏng biện pháp hạn chế, giá dầu sắp có tuần leo dốc thứ 2 liên tiếp

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu đang trên đà ghi nhận tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp nhờ kỳ vọng nhu cầu dần phục hồi khi nhiều nước thông báo kế hoạch nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội.

Giá “vàng đen” quay đầu đi lên trong phiên giao dịch ngày 8/5 trong bối cảnh các thương nhân lạc quan cho rằng cung cầu trên thị trường năng lượng sẽ cân bằng hơn khi nhiều nước dần nới các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh, bắt đầu tái khởi động nền kinh tế, cùng với nỗ lực cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất dầu chủ chốt.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 52 xu Mỹ, tương đương 1,8%, lên mức 29,98 USD/thùng sau khi sụt gần 1% trong phiên trước đó.
Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng  nhích 78 xu Mỹ, tương đương 3,3%, lên mức 24,33 USD/thùng sau khi giảm gần 2% trong phiên giao dịch ngày 7/5.
Giá dầu quay đầu đi lên trong phiên 8/5.
Một số TP của Nhật Bản, Australia, Na Uy, Đan Mạch đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm khôi phục hoạt động kinh tế và xã hội.
28 trong số 34 TP của Nhật Bản không nằm trong diện cảnh báo đặc biệt đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần các biện pháp giãn cách xã hội. 8 TP đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn, trong khi có tới 19 TP khác quyết định dỡ bỏ một phần giãn cách xã hội kể từ ngày 7/5.
Ngày 8/5, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết nước này sẽ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội theo một lộ trình gồm 3 giai đoạn khi Canberra hướng tới dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế vào tháng 7/2020 và đưa gần 1 triệu lao động trở lại làm việc trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại nước này giảm. Australia hồi tháng 3 áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội cùng với đóng cửa biên giới.
Bên cạnh đó, Pháp, một số bang của Mỹ, Pakistan cũng đang lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 - cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất thế giới trong một thế kỷ.
Cả hai mặt hàng dầu đang hướng tới tuần tăng thứ hai liên tiếp, với dầu Brent dự kiến leo dốc hơn 13% trong tuần này và dầu ngọt nhẹ WTI tăng 23%.
Lachlan Shaw, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu ở Ngân hàng Quốc gia Australia tại Melbourne, cho rằng giá dầu phục hồi do hy vọng nhu cầu sẽ tốt hơn.
Tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu mỏ và các chế phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới, người dân đã bắt đầu ra đường khi lệnh phong tỏa được nới lỏng. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nguồn cung xăng trong nước đã tăng lên gần 6,7 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Về phía nguồn cung, OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là OPEC +, bắt đầu thực hiện một thỏa thuận cắt giảm nguồn cung kỷ lục lên tới 9,7 triệu thùng/ngày từ đầu tháng 5.
Ngoài ra, các công ty dầu mỏ Bắc Mỹ cắt giảm sản lượng nhanh hơn mức mà các quan chức Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà phân tích kỳ vọng. Mức cắt giảm ước tính vào khoảng 1,7 triệu thùng/ngày trước cuối tháng 6.
Đà phục hồi của giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực sau khi Trung Quốc và Mỹ ngày 8/5 đã nhất trí "tạo điều kiện thuận lợi" cho Thỏa thuận thương mại Giai đoạn một được hai bên ký vào tháng 1/2020, bất chấp những căng thẳng gần đây liên quan tới dịch bệnh Covid-19. Thông tin này nay đã khiến các nhà đầu tư lạc quan trở lại.
Jason Gammel - nhà phân tích hàng hóa của Jefferies, nhận định: “Nguồn cung trên thị trường vẫn còn nhiều, tuy nhiên nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC+ và việc cắt giảm tự nguyện của các nhà sản xuất dầu Mỹ có thể giúp nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dần phục hồi trong ngắn hạn”./.