Theo Tass, phát biểu với báo chí hôm 26/4, người phát ngôn của tập đoàn Gazprom Sergey Kupriyanov nói rằng việc vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu vẫn hoạt động bình thường, song sản lượng khí đốt xuất khẩu sang khu vực này đã giảm mạnh trong tháng này. “Tính đến ngày 26/4, Gazprom cung cấp khoảng 56 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày cho các quốc gia châu Âu qua lãnh thổ Ukraine,” ông Kupriyanov cho hay.
Trong khi đó, theo người phát ngôn của Gazprom, vào đầu tháng 3 vừa qua, con số này đã đạt mức kỷ lục 109,6 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày.
Nga hiện vẫn là nhà cung cấp dầu lớn nhất cho châu Âu. Trong năm 2020, Nga cung cấp 26% dầu mỏ nhập khẩu của châu lục này. Trong khi đó, khí đốt của Nga đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu.
Theo hãng tin Reuters, trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Il Messaggero ngày 26/4, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho biết khối này đặt mục tiêu giảm 2/3 sự phụ thuộc dầu mỏ và khí đốt của Nga vào cuối năm nay và tiến tới chấm dứt hoàn toàn vào cuối năm 2027.
Ông Gentiloni khẳng định EU sẽ hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 từ mục tiêu trước đó là 4%. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để kết luận tốc độ tăng trưởng chậm chạp sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ.
Trong một diễn biến liên quan, EU đang cân nhắc một số hình thức cấm vận dầu mỏ Nga trong gói trừng phạt thứ 6 với tiêu chí tối đa hóa áp lực lên Moscow, nhưng giảm thiểu thiệt hại cho chính mình.
Theo hãng tin Tass (Nga), trong một cuộc phỏng vấn, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết, gói trừng phạt thứ 6 chống lại Nga có thể bao gồm một số hình thức cấm vận dầu mỏ, nhưng vẫn phải đảm bảo giảm thiểu thiệt hại đối với các nước EU. Phát biểu của quan chức EU được đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ The Times ngày 25/4.
"Chúng tôi đang thực hiện gói trừng phạt thứ 6 và một trong những vấn đề chúng tôi đang xem xét là một số hình thức của lệnh cấm vận dầu mỏ. Khi áp đặt các biện pháp trừng phạt, chúng tôi cần phải thực hiện theo cách tối đa hóa áp lực lên Nga đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho chính mình,” ông Dombrovskis cho hay.
Quan chức EU lưu ý thêm rằng các chi tiết chính xác của các biện pháp trừng phạt dầu mỏ vẫn chưa được thống nhất nhưng có thể bao gồm việc loại bỏ dần dầu của Nga, hoặc áp đặt thuế quan đối với những hàng hóa xuất khẩu vượt quá giới hạn giá nhất định.
Trước đó, ấn phẩm châu Âu của tờ Politico ngày 22/4 cho biết EC sẽ đưa ra dự thảo về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga cho các nước EU trong tuần này. Nó có thể bao gồm những hạn chế nhất định đối với nguồn cung dầu và các chính sách tài chính, đặc biệt là cắt thêm một số ngân hàng khỏi hệ thống tin nhắn thanh toán SWIFT.