Thực trạng này đã kéo dài lâu nay, cho thấy sự thiếu ý thức của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu, thậm chí là cả chính quyền địa phương, gây khó khăn, bức xúc cho Nhân dân Thủ đô.
Một công trình gây ùn tắc nhiều tuyến đường
Những năm qua Hà Nội đã đầu tư rất mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng đô thị, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nhưng nghịch lý là có nhiều dự án, công trình hạ tầng lại đang gây trì trệ, khó khăn cho TP, đặc biệt là làm phức tạp thêm tình hình UTGT.
Ví dụ dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có phạm vi thi công rất rộng, ảnh hưởng đến giao thông của các quận: Hà Đông, Thanh Xuân. Quá trình thi công, nhà thầu của dự án đã được cấp phép rào chắn hàng loạt tuyến đường như: Nguyễn Trãi, Vũ Trọng Khánh, Lương Thế Vinh, Trần Phú, Kim Giang, Phạm Tu… Có những vị trí đã rào chắn nhiều năm không dỡ bỏ, hoạt động thi công ì ạch như trên tuyến đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông). Có những tuyến đường bị sụt lún do tác động từ công trình này.
Ông Phạm Quốc Hoa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Trong vài năm qua, chưa thấy công trình nào gây bức xúc như vậy. Nhà thầu rào chắn đường như đánh úp người dân, thích rào bao lâu thì rào, không thi công cũng chẳng gỡ bỏ, mặc cho người dân bức xúc, UTGT diễn ra hàng ngày”. Đó cũng là nỗi bức xúc của rất nhiều người dân nơi có những lô cốt rào chắn phục vụ thi công dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn TP hiện còn 31 điểm “đen” UTGT, thì có tới 16 điểm nguyên nhân là do rào chắn phục vụ thi công, trong đó có cả vị trí rào chắn để làm đường giao thông. Điển hình nhất là khu vực nút giao đường Phạm Tu - đường 70. Do vướng mắc giải phóng mặt bằng, nút giao này đã bị rào chắn, bỏ dở dang một phần cầu vượt cho mưa nắng suốt nhiều năm qua. Bất chấp nút giao trở thành điểm “đen” UTGT thuộc loại trầm trọng nhất Thủ đô, cả chính quyền địa phương lẫn chủ đầu tư dự án vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Chị Lê Thị Thanh (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho biết: “Người dân chúng tôi vô cùng bức bối, tới mức nhiều người gọi đây là nút giao “chết”. Chỉ vì nó mà UTGT lan ra cả đường 70, đường Phạm Tu, đường Phúc La - Văn Phú. Bình thường đã thường xuyên tắc rồi, vào giờ cao điểm hoặc khi có mưa thì đúng là ác mộng với người dân”.
Nhiều người dân cũng tỏ ra ngán ngẩm khi nhắc tới những công trình được mong đợi từ lâu như: dự án mở rộng đường Âu Cơ - An Dương; hầm chui Kim Đồng… Trong khi vừa rào chắn, vừa đào bới mặt đường gây khó khăn cho xe cộ di chuyển, những dự án này lại kéo dài lê thê, khiến tình trạng UTGT thường xuyên diễn ra mỗi ngày. Bên cạnh đó là bụi bặm, đất cát gây ô nhiễm môi trường, khiến cả người tham gia giao thông lẫn các hộ dân sinh sống quanh công trình khá bức xúc.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, thi công trong đô thị nơi có mật độ giao thông cao sẽ không tránh khỏi gây phiền hà, khó khăn cho người dân, rất nên thông cảm với các chủ đầu tư, nhà thầu.
“Tuy nhiên, người làm công trình cũng không thể lợi dụng sự cảm thông đó để biện minh cho việc chậm trễ, kéo dài tiến độ, gây khó khăn, bức xúc cho người dân” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Phải đặt ra giới hạn
Trước tình trạng UTGT kéo dài do rào chắn công trình thi công, bỏ dở dự án ở nhiều nơi trên địa bàn TP, Sở GTVT Hà Nội đã chủ động tìm kiếm giải pháp thông qua việc tổ chức, phân luồng giao thông. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng giải pháp tạm thời đó sẽ không thể giải quyết triệt để UTGT, mặt khác còn có thể khiến các dự án thêm chây ì.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mới đây, Sở đã trình lên UBND TP Báo cáo chuyên đề về: “Tình hình UTGT trên địa bàn TP Hà Nội và các giải pháp trọng tâm nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông”. Trong đó có nêu rõ vấn đề UTGT do rào chắn thi công cũng như các nguyên nhân khác.
Vị này cho hay, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TP chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư, nhà thầu thi công trong quá trình triển khai thi công những dự án trên địa bàn TP. Chỉ đạo các Ban QLDA dự án trực thuộc TP, UBND các quận, huyện trong quá trình triển khai dự án cần nâng cao vai trò của chủ đầu tư, trách nhiệm của nhà thầu thi công tránh trường hợp thi công thời gian kéo dài, phạm vi rào chắn gây thu hẹp mặt đường
Mặt khác, Sở GTVT cũng đề xuất TP chỉ đạo các đơn vị dự án khảo sát kỹ hiện trạng tổ chức giao thông trong phạm vi thi công, để xây dựng phương án rào chắn phù hợp với hiện trạng giao thông; đề xuất phương án phân luồng tổ chức giao thông để hạn chế ùn tắc giao thông trong quá trình thi công.
Xây dựng biện pháp thi công khoa học hợp lý, đẩy nhanh tiến độ thi công rút ngắn thời gian rào chắn gây thu hẹp lòng đường. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương trong quá trình thi công. Bố trí đầy đủ nhân sự để phối hợp với lực lượng CSGT, Thanh tra GTVT trong công tác phân luồng tổ chức giao thông.
Đông đảo người dân Thủ đô mong mỏi UBND TP sớm có biện pháp để tháo gỡ khó khăn cho giao thông tại 31 điểm “đen” UTGT nói chung và 16 điểm có nguyên nhân do bị rào chắn thu hẹp lòng đường nói riêng. Đặc biệt là các vị trí đã “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt nhiều năm như: nút giao đường Phạm Tu - đường 70; các lô cốt trên đường Vũ Trọng Khánh…
Ông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, nhiều chủ đầu tư, nhà thầu biết rõ thi công trong lòng đô thị là rất khó khăn, áp lực, gây cản trở giao thông nhưng lại không có phương án tổ chức phân luồng, phục vụ giao thông tạm thời hợp lý. Khi xin cấp phép rào chắn thì xin vài tháng, nhưng thi công thì vài năm chẳng xong.
“Chính quyền một số địa phương thì thờ ơ với công tác giải phóng mặt bằng, bất chấp dự án bế tắc. Liệu có phải họ né tránh áp lực, sợ trách nhiệm? Hay cho rằng đó không phải việc của mình, UTGT chỉ do công trình chứ không phải do chậm trễ GPMB? Tư duy cầu an, phó mặc cho người dân tự vật lộn với UTGT là không thể chấp nhận được” - vị chuyên gia này nói.
Đã đến lúc Hà Nội cần có biện pháp mạnh, thực tế với các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu để xảy ra tình trạng rào chắn kéo dài, gây UTGT, bức xúc trong dư luận Nhân dân. Nếu chỉ nhắc nhở, không xử lý trách nhiệm để làm gương, tình trạng chây ì khi rào chắn lòng đường phục vụ thi công sẽ còn diễn ra nhiều và phức tạp hơn nữa.