Đồ uống có chứa caffeine và cồn
Một số loại đồ uống như cà phê, trà, nước soda, nước tăng lực, nước có ga… có chứa nhiều caffein - chất gây kích thích hệ thần kinh làm tăng cường sự tỉnh táo, đồng thời kìm hãm sự hấp thụ chất sắt từ thực phẩm. Khi bà mẹ đang cho con bú uống lượng lớn đồ uống chứa caffein (3 - 4 ly cà phê hoặc 5 - 6 tách trà) mỗi ngày, thì caffein có thể ngấm vào sữa mẹ và truyền sang cho trẻ. Quá nhiều caffein trong cơ thể trẻ có thể khiến trẻ bị kích ứng, cáu kỉnh, quấy khóc và mất ngủ. Việc không có đủ giấc ngủ sâu sẽ cản trở sự phát triển trí não của trẻ ở độ tuổi thiếu niên.
Ngoài ra, một số bà mẹ áp dụng kinh nghiệm dân gian là uống bia để tăng sữa, nhưng thực chất việc uống những đồ uống có cồn (bia, rượu) không tốt cho cả mẹ lẫn con. Vì cồn sẽ đi vào máu làm ảnh hưởng đến chức năng các cơ quan nội tạng, thần kinh của người mẹ và người mẹ có nguy cơ mất sữa. Sau đó cồn từ máu của người mẹ ngấm vào sữa và truyền qua trẻ bú mẹ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, khiến trẻ buồn ngủ, giấc ngủ sâu, suy nhược, tăng cân bất thường…
Hải sản chứa nhiều hàm lượng thủy ngân
Thủy ngân xuất hiện trong sữa mẹ nếu bạn ăn cá và các thực phẩm có chứa lượng thủy ngân cao. Hàm lượng thủy ngân cao trong sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ sơ sinh.
Phụ nữ cho con bú nên tránh các loại cá đặc biệt chứa nhiều thủy ngân như cá ngừ, cá kiếm, cá thu…
Tuy nhiên, cá cũng rất giàu omega-3, một chất dinh dưỡng rất cần thiết nên các bà mẹ đang cho con bú có thể ăn ở mức độ vừa phải.
Thức ăn cay, có mùi hăng
Phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ cần tuyệt đối tránh các loại thực phẩm cay nóng và có mùi hăng. Những thực phẩm gia vị có tính cay, nóng như tỏi, hành, ớt có thể sẽ bị nhiễm mùi vào sữa mẹ và khiến bé khó chịu bỏ bú. Mẹ ăn cay ở mức độ nhiều còn có thể khiến cho bé bị đau bụng, đi ngoài và quấy khóc.
Đồ ăn nhanh
Thức ăn nhanh cũng là thực phẩm mà phụ nữ cho con bú cần tránh. Những thực phẩm chiên, rán sẵn, hamburger... đều không thân thiện với sức khỏe người lớn và trẻ nhỏ
Không những làm gián đoạn quá trình phục hồi sức khỏe phụ nữ sau sinh, các chất béo chuyển hóa từ nhóm thực phẩm này sẽ đi vào sữa mẹ. Trẻ bú sữa từ thức ăn nhanh lâu ngày thường có nguy cơ béo phì cao gấp đôi so với các trường hợp khác.
Măng
Trong mỗi kg măng chứa một lượng độc tố HCN đủ lớn để gây tử vong cho trẻ. Tuy độc tố này dễ hòa tan trong nước và bay hơi khi chế biến nên có thể loại bỏ nhưng chúng vẫn là loại thực phẩm cấm kị với bà bầu sau sinh vì nó làm giảm đáng kể nguồn sữa và ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và trẻ dùng sữa mẹ.
Thực phẩm gây dị ứng
Nếu bà mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử dị ứng thức ăn thì nên cẩn trọng khi dùng những thực phẩm có tính dị ứng cao như hải sản, cá biển, đậu phộng, trứng, bắp… Vì bệnh dị ứng thức ăn có tính di truyền. Ngoài ra, nếu trẻ có biểu hiện dị ứng với sữa bò thì người mẹ cũng nên kiêng thịt bò, hay các thực phẩm được chế biến từ sữa bò như sữa chua, kem, phô mai, bánh…
Rau mùi tây, lá lốt và bạc hà
3 loại thảo mộc là mùi tây, lá lốt và bạc hà nếu ăn với lượng lớn có thể làm hạn chế sản xuất sữa mẹ. Vì vậy, nếu bạn ăn rau mùi tây, lá lốt hay bạc hà, hãy theo dõi nguồn sữa bé đang bú để đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng của con.
Thức ăn muối chua
Các loại thực phẩm muối chua như dưa cà, cóc ngâm, xoài ngâm, me xào... hiện nay khá phổ biến và cũng là món khoái khẩu của nhiều chị em nhưng nhóm thực phẩm này không được khuyến khích sử dụng tại thời điểm nuôi con bằng sữa mẹ. Axit sinh ra trong thời gian muối chua có thể gây tổn thương lớn đến hệ tiêu hóa của cả mẹ và bé.
Đồ ăn tái sống
Đồ ăn chưa chín là thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc, rối loạn tiêu hoá cho cả mẹ và bé nên phụ nữ cho con bú cũng không nên ăn.