70 năm giải phóng Thủ đô

Nỗi lo dịch COVID-19 lan rộng ngăn đà phục hồi của giá dầu thế giới

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu ổn định hơn trong phiên ngày 25/2 sau khi lao dốc 4% trước lo ngại dịch COVID-19 lan rộng ra nhiều nước tác động tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ.

Giá “vàng đen” phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày 25/2 khi các thương nhân đẩy mạnh mua vào. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 29 xu Mỹ, tương đương 0,5%, lên 56,59 USD/thùng, sau khi sụt tới 3,8% trong phiên trước đó, ghi nhận mức giảm lớn nhất kể từ ngày 3/2.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ nhích 22 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên 51,65 USD/thùng, phục hồi từ mức lao dốc 3,7% trong phiên trước đó.
Giá dầu phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch ngày 25/2.
Nhà phân tích hàng hóa Satoru Yoshida của Rakuten Securities nhận xét: “Giá dầu ngọt nhẹ WTI phục hồi trong phiên này nhờ được hỗ trợ trong bối cảnh các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận khi giá dầu Mỹ giảm về gần mức hỗ trợ quan trọng là 50 USD/thùng.
Theo chuyên gia Yoshida, nỗi lo ngại dịch COVID-19 lan rộng nhanh ra bên ngoài Trung Quốc có thể tác động lớn hơn dự đoán đối với  kinh tế toàn cầu và gây áp lực lớn đối với thị trường năng lượng.
Giá dầu đã giảm hơn 4% trong phiên giao dịch ngày 24/2 do các nhà giao dịch lo ngại dịch bệnh COVID-19, khởi phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) hồi tháng 12/2019, lây lan sang nhiều nước sẽ tác động đến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu.
Dịch bệnh COVID-19 gia tăng và diễn biến phức tạp tại Italia, Hàn Quốc, Nhật Bản và Iran cũng khiến giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán châu Âu trong phiên giao dịch ngày 24/2  giảm lớn nhất kể từ giữa năm 2016.
Tại thị trường chứng khoán Milan, giá cổ phiếu giảm hơn 4,5% sau khi Italy thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại khu vực miền Bắc nước này tăng mạnh.
Số liệu từ Chính phủ Mỹ công bố ngày 24/2 cũng cho thấy lượng dầu thô dự trữ trong nước tăng ít hơn dự đoán, trong khi lượng dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất đều giảm.
Nỗi lo về sự bùng phát dịch COVID-19 bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc đang gia tăng sau khi có báo cáo số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng mạnh tại Iran, Italia và Hàn Quốc, mặc dù Trung Quốc nới lỏng lệnh phong tỏa ở một số TP, bao gồm cả Bắc Kinh khi tỷ lệ nhiễm mới tại nước này sụt giảm.
WHO hôm 22/1 cảnh báo cơ hội khống chế sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 đang dần hẹp lại bởi sự gia tăng ca bệnh ngoài Trung Quốc. Trước đó, Tedros từng nhận định số trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc còn thấp là "cơ hội hiếm có" để ngăn chặn sự lây lan toàn cầu. Nguyên nhân là một tuần qua, số ca nhiễm mới gia tăng đột biến ở khắp Trung Đông và Hàn Quốc.
Tổng Giám đốc WHO cũng cho rằng nếu các quốc gia không huy động mọi nguồn lực khống chế sự lây lan của virus, "sự bùng phát có thể đi theo bất cứ chiều hướng nào". WHO cũng kêu gọi các nước nâng cao cảnh giác và thực hiện nghiêm túc công tác dập dịch.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco của Ả Rập Saudi, ông Amin Nasser, hy vọng tác động của virus SARS-CoV-2 đối với nhu cầu dầu sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sức tiêu thụ mặt hành này sẽ tăng trong nửa cuối năm nay.
Ngoài ra, thị trường cũng kỳ vọng vào việc quyết định cắt giảm sản lượng sâu hơn của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, dẫn đầu là Nga.
Theo kế hoạch, cuộc họp của đại diện các quốc gia tham gia thỏa thuận giảm sản lượng khai thác dầu trong khuôn khổ OPEC và các nhà sản xuất lớn ngoài khối này (gọi là nhóm OPEC+) sẽ diễn ra vào ngày 5-6/3./.