Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nỗi niềm “công bộc” xã, phường: Bài 4: Tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho cán bộ cơ sở

Thùy Linh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Áp lực về khối lượng, thời gian và nhất là đòi hỏi của người dân ngày càng cao trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đang là những thách thức đặt ra với cán bộ, công chức (CBCC) xã, phường, thị trấn.

"TP luôn cố gắng tạo điều kiện làm việc tốt nhất cũng như nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ này, nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phục vụ công dân hiện nay" - đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Hoa khi trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị.

Ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ

Trước thực tế công việc rất vất vả, TP đã dành chế độ, chính sách ra sao để động viên CBCC cấp xã cống hiến, đáp ứng tốt hơn mong mỏi của người dân?

- Thời gian qua, UBND TP đã ban hành một số quyết định, trong đó Quyết định 2492 ngày 2/6/2011 quy định chế độ bồi dưỡng, cấp trang phục cho trưởng bộ phận, công chức, lao động hợp đồng (LĐHĐ) làm việc tại bộ phận một cửa (BPMC) cấp xã. Theo đó, hàng tháng, trưởng bộ phận và công chức làm việc chuyên trách được hưởng phụ cấp hệ số 0,6, công chức làm việc kiêm nhiệm và LĐHĐ hưởng hệ số 0,02 mức lương tối thiểu; mỗi trưởng bộ phận và công chức làm việc chuyên trách tại BPMC được cấp 3.000.000 đồng tiền trang phục trong năm đầu (2 bộ Xuân Hè, 2 bộ Thu Đông), từ năm thứ hai được 1.500.000 đồng (1 bộ Xuân Hè, 1 bộ Thu Đông).

Bên cạnh đó, từ trước đến nay, Hà Nội luôn quan tâm thực hiện chế độ, chính sách cho những người làm việc không chuyên trách ở xã, phường, thôn, tổ dân phố ở mức cao hơn so với quy định chung. Nhưng, với hệ thống thang bảng lương hiện nay, TP chưa được áp dụng cơ chế đặc thù gì để tăng thu nhập cho CBCCVC nói chung và CBCC cấp xã nói riêng so với các địa phương khác. Đây là một khó khăn chung của CBCC Hà Nội.

Theo ông, giữa công việc của CBCC ở xã so với ở phường có khác nhau không, và chế độ chính sách cho CBCC tại hai địa bàn đã có phân biệt chưa?

- Tôi nghĩ, ở xã hay phường thì CBCC đều có khó khăn riêng. Nếu xã có địa bàn rộng, cơ sở vật chất còn lạc hậu thì phường lại có tốc độ đô thị hóa cao, dân cư đông, quản lý Nhà nước phức tạp, lượng người dân đến UBND phường giao dịch cũng rất lớn. Song về chế độ chính sách, thang bảng lương… cho CBCC tại hai nơi vẫn được áp dụng thống nhất như nhau theo quy định tại Nghị định 92 ngày 22/10/2009 của Chính phủ, Luật CBCC và các văn bản hướng dẫn.

Tôi thấy đây cũng là một bất cập lớn mà nhiều tỉnh, TP trong đó có Hà Nội đã nhiều lần kiến nghị: Muốn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cần xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Song, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2013, hiện chưa có phân định rõ trong vấn đề này, nên chế độ, chính sách của CBCC xã và CBCC phường vẫn không khác gì nhau. Nhiều nhà khoa học, quản lý, chuyên gia đã phân tích, đề nghị Chính phủ, Quốc hội xây dựng mô hình tổ chức chính quyền cho riêng đô thị và nông thôn, vì cách thức quản lý ở hai địa bàn rõ ràng phải khác nhau. Chính quyền đô thị là một thể liên hoàn thống nhất, trong khi ở nông thôn phân theo các thôn, bản và theo thuần phong mỹ tục, truyền thống; trình độ dân trí cùng nhiều đặc điểm khác nhau.

Bên cạnh chế độ chính sách, trên cương vị lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực CBCC, ông thấy điều kiện làm việc của CBCC xã, phường tại TP đã được cải thiện ra sao?

- Hiện, môi trường làm việc của CBCC cấp xã đã được cải thiện đáng kể, rõ nhất là TP rất quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trụ sở làm việc khang trang hơn. Trong đó, BPMC, phòng tiếp công dân được trang bị ngày càng hiện đại, với đầy đủ bàn ghế, máy tính, máy in, máy scan…, cùng phần mềm điều hành tác nghiệp. Qua đó, đã tạo điều kiện tối ưu cho CBCC phục vụ tổ chức, công dân.

Đặc biệt, TP rất quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng cho CBCC cấp xã, trong đó hàng năm đều xây dựng kế hoạch đào tạo, cập nhật thông tin mới nhất để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn cho đội ngũ này, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đáng chú ý, ngoài chương trình đào tạo bồi dưỡng thường xuyên theo quy định, ngày 17/4/2017, UBND TP đã phê duyệt Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm tập trung nâng cao kỹ năng, năng lực làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử phục vụ Nhân dân cho các CBCC lãnh đạo quản lý và công chức chuyên môn, CBCC cấp xã; viên chức chuyên môn một số ngành. Năm 2018, TP sẽ mở các lớp nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho CCVC làm việc tại BPMC, bộ phận tiếp công dân ở mọi cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn.

Cán bộ phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Thanh Hải

Cần khẳng định, đến nay, trừ trưởng công an và chỉ huy trưởng quân sự, 5 chức danh công chức chuyên môn còn lại của cấp xã đều có trên 80% đạt trình độ đại học. Giai đoạn 2013 - 2016, TP cũng đã hoàn thành kế hoạch 1.000 công chức cấp xã tốt nghiệp đại học chính quy công lập loại khá trở lên được đào tạo kết hợp thi tuyển công chức, để bố trí làm việc tại cấp xã.

Sở Nội vụ đã tham mưu TP thế nào để tới đây có thêm giải pháp hỗ trợ CBCC cấp xã làm việc ngày càng đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, thưa ông?

- Phải nói rõ rằng, hệ thống thang bảng lương dành cho CBCCVC nói chung và CBCC cấp xã nói riêng tại Hà Nội đều đã được thực hiện đúng quy định của Chính phủ, không hơn so với các địa phương khác. Tuy nhiên, để tạo điều kiện làm việc tốt nhất và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng làm việc, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân của đội ngũ CBCC cấp xã, Sở Nội vụ đang tiếp tục tham mưu cho TP thực hiện các chương trình đào tạo bồi dưỡng theo hướng “đổi mới, thiết thực, hiệu quả”, với nội dung đào tạo bồi dưỡng liên tục cập nhật vấn đề mới về chính sách, tình hình trong, ngoài nước…

Đồng thời, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở TT&TT và các cơ quan liên quan trong đẩy mạnh hiện đại hóa công sở thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý Nhà nước, giải quyết TTHC nhằm phục vụ công dân, tổ chức, DN tốt nhất khi làm việc với chính quyền địa phương. Sở cũng sẽ tăng cường thanh, kiểm tra công vụ để kịp thời hướng dẫn CBCC, phát hiện sai sót; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm, sách nhiễu tổ chức, công dân.

Xin cảm ơn ông!

Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020” đặt mục tiêu đào tạo 1.432 học viên (90 - 100 học viên/lớp). Dự kiến, tháng 11/2017 sẽ tổ chức lớp đầu tiên cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Các học viên sẽ học tập trung liên tục 32 ngày và trước đó phải bàn giao công việc ở cơ quan để học tập đạt kết quả cao nhất và không ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ Nhân dân của UBND cấp xã.
Đại biểu Quốc hội Khóa XIII Bùi Thị AnPhải tính toán lại cho phù hợp

Lương của chúng ta hiện không thể hiện đúng mức đãi ngộ tương xứng. Thu nhập bình quân của CBCC, nhất là ở xã, phường rất thấp, không đủ sống. Lương tháng có vài triệu đồng, mà phải nuôi hai con thì làm sao đáp ứng được. Nên tôi cho rằng, cần tính toán tăng thu nhập cho phù hợp, để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến. Cùng với việc tăng thu nhập, chúng ta cũng sẽ xây dựng cơ chế quản lý bảo đảm CBCC cống hiến đủ 8 tiếng hành chính thật hiệu quả.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến DĩnhTăng thu nhập từ việc kiêm nhiệm chức danh

Xã, phường là nơi triển khai toàn bộ chủ trương, chính sách. Những quyết sách quan trọng có đi vào cuộc sống được hay không, phụ thuộc chính vào khối này. Song, “đầu việc” nhiều dẫn đến bộ máy cồng kềnh, hệ quả là thu nhập bị cào bằng, không bảo đảm cuộc sống. Tôi cho rằng nên tinh gọn lại bộ máy, cán bộ cơ sở có thể thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm, như Chủ tịch hội phụ nữ kiêm phụ trách dân số, vì chức năng cũng gần nhau, mà cán bộ được hưởng thêm lương từ việc này.

Quốc Toản ghi