Hơn 2 tháng chăm bón, còn khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch nhưng chỉ trong vài ngày, 3 sào dưa hấu An Điền ở Bàu Khe của ông Phạm Cư (51 tuổi, thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương) đã thành… đồ bỏ.
Cứ ngỡ sẽ gỡ gạc được thua lỗ vì 10 sào dưa thuê đất ở xã Bình Mỹ (huyện Bình Sơn) thu hoạch trước đó không lâu trúng đợt giá cả quá thấp, ông Cư không thể ngờ lại tiếp tục trắng tay bởi thời tiết biến đổi thất thường, mưa lớn dài ngày trong mùa khô.
Nhìn ruộng dưa vốn xanh tốt trĩu quả, trọng lượng 4 - 5kg/quả giờ đã ngập bùn, hư thối, ông Phạm Cư chán nản lắc đầu: “Mưa gì mà lạ lùng, suốt mấy ngày liền, dưa sắp thu hoạch bị ngập úng, hư hết cả. Giống dưa này giá cao, 3.000 - 4.000 đồng/kg, ổn định thì cũng thu lợi được vài chục triệu đồng”.
Theo ông Phạm Cư với mức đầu tư bình quân 1 sào dưa khoảng 5 triệu đồng thì thiệt hại trong đợt này đã mất ngót nghét khoảng 15 triệu đồng phân, thuốc.
“Bình thường vụ này dù có mưa thì dưa vẫn ổn, vì mưa ít, còn đợt rồi mưa kinh quá, nước rút không kịp. Bây giờ đợi nước rút hẳn, dọn ruộng rồi tỉa bắp chứ không dám làm dưa nữa. Thời tiết thất thường, dưa vụ đông mà còn bị vầy, ai biết có còn đợt nào nữa không?” - ông Phạm Cư nói.
Ở xứ đồng Vực Chùa, 32 sào dưa hấu xuống giống từ khoảng giữa tháng 2/2022 của ông Lê Minh Đào (44 tuổi, thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn) cũng tan nát sau đợt mưa lớn. 2 ngày nay, nước rút bớt, ông Đào mới ra ruộng thu dọn, chuẩn bị cho đợt xuống giống mới.
“Dưa đang rộ bông, lác đác có quả tầm nắm tay thì gặp mưa lớn làm ngập úng, mất trắng luôn. Giờ đúng là... không còn gì để mất” - ông Lê Minh Đào chia sẻ.
Hơn 10 năm trồng dưa hấu, từng lang bạt ở Tây Nguyên và các xứ khác để trồng dưa, ông Đào cũng đã quen với cảnh “lên voi xuống chó” vì thời tiết và thị trường biến động. Nhưng có lẽ, đợt này là thiệt hại nhiều nhất.
“Mất tầm 80 triệu đồng đầu tư, nếu được mùa thì kiếm được hơn trăm triệu đồng. Mà đợt này không chỉ hư mỗi dưa, cả ớt, lúa của gia đình cũng hư nhiều lắm. Phân, giống chủ yếu phải vay mượn tiền để làm, giờ vầy thì lỗ chết luôn, sổ đỏ "bay" vèo vèo, bò nghé chắc bán hết. Năm nay trả tiền cho ngân hàng không nổi” - ông Lê Minh Đào cười buồn.
Trời đầu tháng 4 âm u, không một chút nắng, ông Lê Minh Đào bước qua những luống dưa còn nhão bùn, lún chân để thu ống nước và dỡ mấy tấm nilon phủ bạt còn sót lại. Đưa mắt một lượt quanh ruộng chỉ còn trơ những thân dưa ngập úng, đang nhũn ra vì ngấm nước lâu ngày, ông khe khẽ thở dài: “Mình cũng buồn chút đỉnh, nhưng tự an ủi, thôi thì cố đợt sau”.
Bình Chương là xã thuần nông, cũng là nơi có diện tích canh tác dưa lớn nhất nhì ở Quảng Ngãi. Thời tiết bất thường với lượng mưa lớn trong nhiều ngày đã gây thiệt hại nặng nề cho địa phương này. Theo thống kê, có gần 84ha cây trồng vụ Đông Xuân 2021 - 2022 bị ngập úng hư hại, trong đó có 45ha lúa với mức độ thiệt hại từ 30 - 50%, hơn 21ha dưa bị thiệt hại hoàn toàn.
“Dưa là một trong những cây trồng chính, mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương. Đợt mưa kéo dài vừa qua đã làm cho nhiều hộ trồng dưa mất trắng, thiệt hại nặng về kinh tế. Đối với cây lúa đang giai đoạn làm đòng, sắp chín gặp mưa lớn nên ngã đổ nhiều. Sắp tới dự báo vẫn còn có mưa nên năng suất, sản lượng lúa chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc thu hoạch chủ yếu dựa vào cơ giới, mà ruộng thì ngập nước nên sẽ gặp nhiều khó khăn” - ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Chương cho hay.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, đợt mưa lớn kéo dài ở cuối tháng 3, đầu tháng 4/2022 đã làm khoảng 425ha dưa trong toàn tỉnh bị thiệt hại, hư hỏng, nặng nhất là huyện Bình Sơn. Trong số hơn 193ha dưa vụ Đông Xuân của huyện này bị ngập thì có đến gần 174ha bị thiệt hại từ 70% trở lên, nhiều diện tích mất trắng.