Trong đó phải kể đến người từng dẫn dắt Microsoft - tỷ phú Bill Gates khi ông đến Trung Quốc vào ngày 16/6 và thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều vấn đề lớn.
"Chúng tôi đã trao đổi cách giải quyết các thách thức về sức khỏe, biến đổi khí hậu và phát triển toàn cầu, cũng như cách nền kinh tế số hai thế giới hỗ trợ người dân" - Nhà đồng sáng lập Microsoft chia sẻ trên blog cá nhân.
Chuyến đi của Bill Gates diễn ra vài ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh. Cử chỉ ngoại giao này nhằm mục đích cải thiện mối quan hệ lạnh nhạt giữa hai cường quốc.
Vào năm 2022, Microsoft đánh dấu kỷ niệm 30 năm hoạt động tại Trung Quốc. Dù hiện tại Bill Gates không còn tham gia điều hành công ty nhưng ông vẫn không ngừng ngăn chặn những ảnh hưởng xấu của căng thẳng Mỹ-Trung đối với cộng đồng doanh nghiệp.
Cuối tháng 5 vừa qua, CEO của Tesla Elon Musk cũng có chuyến đi đầu tiên đến Trung Quốc – nơi tiêu thụ khoảng 40% sản phẩm của Tesla. Ông lớn công nghệ này cũng có một nhà máy ở Thượng Hải.
Chia sẻ với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, ông Musk cho biết Tesla phản đối việc tách rời và cắt đứt chuỗi cung ứng, đồng thời sẵn sàng mở rộng kinh doanh tại Trung Quốc.
Cả 2 chuyến đi của những tượng đài công nghệ Mỹ đều được thực hiện sau khi Bắc Kinh dỡ bỏ hạn chế Covid-19 đối với du khách vào tháng 1/2023, thúc đẩy lượng khách đến nước này.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, thương mại hàng hóa giữa nước này và Trung Quốc tăng 5% lên đến 690 tỷ USD vào năm 2022, vượt mức kỷ lục ghi nhận vào năm 2018 (659 tỉ USD).
Ngoài ra còn nhiều công ty kéo đến tìm kiếm cơ hội tại thị trường đầy tiềm năng này.
Trong chuyến thăm Thượng Hải vào tháng 5, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon cho biết ngân hàng này không có ý định rời khỏi Trung Quốc và sẵn sàng trải qua mọi khó khăn cùng với quốc gia này.
Vào năm 2021, JPMorgan đã được chấp thuận trở thành tổ chức tài chính nước ngoài đầu tiên sở hữu hoàn toàn một liên doanh chứng khoán tại Trung Quốc. Bất chấp những bất ổn ngày càng tăng ở thị trường này, hoa hồng môi giới vẫn là lĩnh vực ăn nên làm ra của công ty.
Bên cạnh đó, giám đốc điều hành của các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Qualcomm hay Intel cũng đã đến Trung Quốc trong những tháng gần đây.
Không chỉ Mỹ, giám đốc điều hành của các doanh nghiệp châu Âu như ông lớn ngành công nghiệp bán dẫn Hà Lan ASML và công ty bán dẫn Thụy Sĩ STMicroelectronics cũng đã đến Trung Quốc. Vào ngày 7/6, STMicroelectronics đã công bố kế hoạch hợp tác xây dựng nhà máy với một đối tác ở Trùng Khánh, Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc, việc hàng loạt ông lớn công nghệ đến đầu tư là cơ hội không thể tốt hơn để siêu cường này chuyển mình trong thời buổi kinh tế khó khăn sau đại dịch, đồng thời giúp giảm thiểu thiệt hại từ đứt gãy chuỗi cung ứng do các biện pháp hạn chế của Mỹ.
Tháng 4 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một phái đoàn nhiều doanh nghiệp lớn cũng tới Trung Quốc, gồm cả Airbus. Nhà sản xuất máy bay hàng đầu này đã cam kết xây dựng một dây chuyền lắp ráp máy bay mới ở Thiên Tân.
Mùa thu năm ngoái, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng đoàn tháp tùng gồm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn đã đến Bắc Kinh và nhận được sự đón tiếp của Thủ tướng Lý Cường.
Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp vẫn lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung có thể kéo dài và đang tìm kiếm các phương án thay thế.
Sequoia Capital, công ty đầu tư mạo hiểm Mỹ có cổ phần ở Bytedance, đã quyết định chia tách bộ phận, rút khỏi Trung Quốc.
Theo Financial Times, AstraZeneca đang xem xét việc ngừng kinh doanh tại Trung Quốc cũng như không niêm yết tại Hồng Kông hoặc Thượng Hải.
Nhiều công ty công nghệ, trong đó có Apple, cũng đang mở rộng chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á và Ấn Độ để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc.