Ông Putin "nóng lòng" muốn "cứu" đồng rúp?

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo FT, Tổng thống Nga đang xem xét các đề xuất từ Bộ tài chính Nga yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi một phần thu nhập ngoại tệ sang đồng rúp.

Tổng thống Vladimir Putin đã lên kế hoạch thảo luận về việc tăng cường kiểm soát tiền tệ với các nhà hoạch định chính sách Nga sau khi mức tăng lãi suất bất thường 3,5 điểm phần trăm chưa ngăn đà trượt giá của đồng rúp, Financial Times dẫn nguồn tin thân cận cho biết. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Theo đó, ông Putin đã lên kế hoạch xem xét các đề xuất từ Bộ Tài chính Nga, yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi một phần thu nhập ngoại tệ, hầu hết trong số đó hiện đang được giữ ở nước ngoài, sang đồng rúp. 

Theo tài liệu mà Financial Times tiếp cận được, Bộ Tài chính dự kiến đề nghị các nhà xuất khẩu đạt tới 80% doanh thu ngoại tệ trong vòng 90 ngày sau khi giao hàng và cấm các công ty từ chối tuân thủ nhận trợ cấp của chính phủ.

Các biện pháp được đề xuất khác bao gồm lệnh cấm trả cổ tức và cho vay ra nước ngoài, ngay cả đối với các quốc gia được Nga coi là “thân thiện”; hủy bỏ trợ cấp nhập khẩu; hạn chế hoán đổi tiền tệ; và giảm lượng ngoại tệ mà các nhà xuất khẩu được phép mang ra khỏi Nga.

Đề xuất này đánh dấu lần đầu tiên Nga tăng cường kiểm soát tiền tệ kể từ những tuần đầu tiên khi chiến sự tại Ukraine nổ ra vào năm ngoái. 

Bộ trưởng tài chính Anton Siluanov là quan chức kinh tế duy nhất lên tiếng ủng hộ kiểm soát tiền tệ tại cuộc họp chính phủ hồi đầu tuần, Financial Times dẫn nguồn thạo tin cho biết.

Áp lực lên đồng rúp, vốn đã suy yếu trong thời gian ngắn dưới ngưỡng quan trọng là 100 rúp/USD vào phiên giao dịch ngày 14/8, đã thúc đẩy các nhà hoạch định chính sách Nga đến động thái này, theo giới phân tích.  

Khi chiến tranh kéo dài, thâm hụt ngày càng tăng do chi tiêu quân sự tăng, doanh thu xuất khẩu giảm và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu, tất cả đã kết hợp lại để làm suy yếu đồng rúp. Sự trượt dốc đã gây ra những bất đồng công khai giữa các nhà hoạch định chính sách kinh tế Nga.

Hôm 14/8 , Maxim Oreshkin, cố vấn chính sách kinh tế của ông Putin, đã đưa ra ý kiến trong một bài báo khẳng định “đồng rúp mạnh là vì lợi ích của nền kinh tế Nga” và đổ lỗi cho ngân hàng trung ương về sự lao dốc của đồng nội tệ. 

Theo cố vấn này, chu kỳ nới lỏng kéo dài cả năm của ngân hàng trung ương đã thúc đẩy làn sóng đi vay vốn, khiến nền kinh tế Nga phát triển quá nóng và cho biết họ có “tất cả các công cụ cần thiết” để đảo ngược sự sụt giảm.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế nói rằng ngân hàng trung ương có khả năng hạn chế để tăng giá đồng rúp sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối, khiến ngân hàng này về cơ bản không thể bán USD và Euro.

Elina Ribakova, Giám đốc Chương trình Quốc tế tại Trường Kinh tế Kiev, cho biết: “Có hai đòn bẩy mà chính quyền Nga có thể sử dụng để hỗ trợ đồng rúp. Đầu tiên là tránh trần giá [dầu] [do các nước phương Tây áp đặt] một cách hiệu quả hơn và tăng doanh thu xuất khẩu để tăng cường thặng dư tài khoản vãng lai. Thứ hai là kiểm soát vốn.”

Sau khi ngân hàng trung ương Nga tăng lãi suất hôm 15/8, một động thái được cho là cần thiết để kiềm chế lạm phát, nhà băng này cho biết đồng rúp cũng bị ảnh hưởng do khối lượng xuất khẩu giảm và gia tăng vay mượn của chính phủ đã tạo ra nhiều nhu cầu nhập khẩu hơn.