Trong báo cáo được công bố ngày 12/4, OPEC dự báo tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2022 sẽ giảm khoảng 410.000 thùng/ngày. Bên cạnh đó, OPEC cũng hạ dự báo sản lượng dầu Nga năm 2022 thêm 530.000 thùng, do chiến sự tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo dự báo của liên minh này, sản lượng của các nước sản xuất dầu không thuộc OPEC và các nước đồng minh, còn gọi OPEC+, sẽ giảm khoảng 330.000 thùng/ngày trong năm nay.
Cũng theo báo cáo này, một số thành viên OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng hạn ngạch theo thỏa thuận tăng sản lượng của liên minh. OPEC+ đã tăng mục tiêu sản lượng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8/2021.
Giới phân tích nhận định, với triển vọng phục hồi nhu cầu dầu yếu ớt trong năm nay, nhiều khả năng liên minh do Ả Rập Saudi và Nga đứng đầu sẽ tiếp tục từ chối lời kêu gọi tăng mạnh sản lượng của các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Trước đó, một số quốc gia tiêu thụ dầu hàng đầu gồm Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đã kêu gọi nhóm OPEC+ tăng sản lượng dầu nhiều hơn khi giá dầu vọt lên gần 140 USD/thùng vào đầu tháng 3 vừa qua và ghi nhận mức cao nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, các thành viên chủ chốt của OPEC như Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã từ chối tăng sản lượng của mình.
Mỹ và Anh đã áp lệnh trừng phạt với ngành năng lượng của Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2. Trong khi EU đã áp đặt 5 gói trừng phạt đối với Nga liên quan đến việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nước thành viên vẫn đang quan ngại về việc cấm nhập khẩu năng lượng từ Moscow. Đó là bởi vì nhiều nước EU phụ thuộc nhiều vào nguồn cung nhiên liệu của Nga.
Trong khi đó, OPEC cảnh báo EU rằng các biện pháp trừng phạt và những động thái chống lại Nga trong tương lai có thể khiến sản lượng giảm tới 7 triệu thùng mỗi ngày.
Giá dầu tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 13/4 sau khi Nga cho hay các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine “đi vào ngõ cụt”. Giá dầu Brent giao sau tăng 59 xu Mỹ, tương đương 0,6%, lên 105,23 USD/thùng, còn giá dầu WTI cũng cộng 0,6% đạt mức 101,20 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu này đã leo dốc hơn 6% trong phiên trước đó.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/4 nói rằng Ukraine đã quay lưng với những thỏa thuận mà hai bên đạt được ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào cuối tháng 3, khiến cuộc đàm phán đi vào bế tắc. Ông Putin khẳng định cho đến khi các bên ký kết thỏa thuận cuối cùng, thì chiến dịch quân sự ở Ukraine sẽ không dừng lại, trừ khi phía Nga đạt được mục tiêu.
“Điều này làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung trên thị trường dầu mỏ toàn cầu” - các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cảnh báo hôm 13/4.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá dầu cũng nhận được sự hỗ trợ từ việc sản lượng dầu mỏ và khí đốt ngưng tụ của Nga giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày vào ngày 11/4, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do các lệnh trừng phạt và hạn chế logistics làm cản trở hoạt động động giao dịch.
Ngoài ra, các báo cáo trong tuần này về việc nới lỏng một phần lệnh phong tỏa chống Covid-19 của Trung Quốc đã góp phần củng cố giá dầu.