OPEC+ còn bất đồng về việc cắt giảm nguồn cung, giá dầu sụt gần 1%

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá dầu tiếp tục đi xuống trong phiên ngày 1/12 do lo ngại nhóm OPEC+ chưa nhất trí gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.

Giá “vàng đen” sụt nhẹ trong ngày 1/12 do gia tăng lo ngại về nguồn cung dư thừa sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là nhóm OPEC+, hoãn việc đàm phán tiếp đến ngày 3/12 vì chưa thu hẹp được bất đồng.
Việc OPEC+ chưa đưa ra quyết định về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đã gây áp lực giảm giá lên thị trường dầu trong phiên giao dịch ngày 1/12.
 Giá dầu sụt nhẹ trong phiên 1/12 do lo ngại OPEC+ không đồng ý kéo dài việc cắt giảm nguồn cung.
Cụ thể, giá dầu Brent mất 35 xu Mỹ, tương đương 0,7% xuống còn 47,53 USD/thùng sau khi giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 30/11. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng hạ 30 xu Mỹ, tương đương 0,7% còn 45,04 USD. Giá mặt hàng dầu này cũng sụt 0,4% trong phiên trước đó.
Ngày 30/11, OPEC+ đã bước vào ngày đàm phán đầu tiên về việc có kéo dài việc cắt giảm nguồn cung hay nới lỏng sản lượng  vào đầu năm 2021 trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Các thành viên OPEC đã cơ bản đồng thuận về việc cần phải kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng thêm 3 tháng đầu của năm 2021, nhưng với điều kiện các nước đồng minh của họ ủng hộ điều này.
Thị trường năng lượng chịu áp lực đi xuống trong ngày 30/11 do sự không chắc chắn về khả năng OPEC+ sẽ đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng tại cuộc họp tuần này. Tuy nhiên, hy vọng về vaccine Covid-19 làm dấy lên hy vọng về sự phục hồi kinh tế có thể phục hồi nhu cầu nhiên liệu vẫn giúp giá dầu leo dốc khoảng 27% trong tháng 11, ghi nhận tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.
Nhóm OPEC+ dự kiến nới lỏng cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021, nhưng nhu cầu toàn cầu phục hồi không đồng đều đã khiến họ phải xem xét lại lại kế hoạch này.
Bộ trưởng Năng lượng Algeria, Abdelmadjid Atta, cho biết các thành viên đã đồng thuận về việc gia hạn 3 tháng và sẽ làm việc để thuyết phục các đồng minh trong OPEC+ ủng hộ động thái này.
Các nguồn tin cho biết Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã phát tín hiệu rằng nước này sẵn sàng ủng hộ việc cắt giảm nguồn cung nếu các thành viên trong nhóm tuân thủ các cam kết theo quota của thỏa thuận giảm sản lượng.
Trong khi đó, tại cuộc họp hôm 30/11, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng ông sẽ từ chức đồng chủ tịch Ủy ban giám sát cấp bộ, nhưng không nói rõ lý do.
Quyết định của OPEC+ lúc này là rất khó khăn, vì phải cắt giảm sản lượng ở mức nào để đủ giúp cho ngân sách của họ không thiếu hụt quá nhiều, song có thể hỗ trợ giá dầu giữa bối cảnh sản lượng của các nước ngoài liên minh này có thể tăng mạnh.
Giới chuyên gia cho rằng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ sẽ có xu hướng tăng mạnh trở lại nếu giá dầu tăng lên trên 50 USD/thùng.
“OPEC+ cần gia hạn thỏa thuận nhằm cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu mỏ toàn cầu trong quý đầu tiên của năm 2021”- ING Economics cho biết hôm 1/12.
Theo các chuyên gia của ING, việc có được vaccine ngừa Covid-19 cũng chưa thể giúp thay đổi đáng kể triển vọng về nhu cầu trong vài tháng tới.
Cuộc thăm dò của Reuters với 40 nhà kinh tế và  phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49,35 USD/thùng trong năm 2021 và thị trường nhiên liệu sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì đà tăng./.