Thị trường dầu đối mặt tình trạng dư cung
Tuần trước, giá dầu Brent lao dốc hơn 2,5%, còn giá WTI giảm 1,2% trong bối cảnh gia tăng lo ngại về tình trạng dư cung trong năm 2025 bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+.
Trong cuộc họp chính sách giữa tuần trước, OPEC+ đã nhất trí gia hạn việc nới lỏng kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày của 8 nước thành viên đến tháng 4/2025, và kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2026.
Quyết định mới nhất của OPEC được kỳ vọng sẽ góp phần giảm sản lượng dầu toàn cầu vào năm tới, nhưng giới chuyên gia dự đoán tình trạng dư cung sẽ tiếp tục diễn ra trong dài hạn.
Theo giới phân tích, việc sản lượng dầu mỏ tăng bùng nổ, đặc biệt là từ các quốc gia ngoài OPEC+ ở châu Mỹ, cũng như nhu cầu thấp hơn từ Trung Quốc vẫn là những lo ngại lớn và có thể dẫn tới tình trạng dư cung toàn cầu.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng HSBC, việc OPEC+ kéo dài thời gian cắt giảm sản lượng vẫn sẽ để lại công suất dự phòng đáng kể khoảng 5,2 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2026.
“Việc trì hoãn thêm nữa sẽ không giải quyết được vấn đề cơ bản của OPEC+ là sản lượng của các quốc gia ngoài OPEC sẽ tăng nhanh hơn nhu cầu trong giai đoạn 2025-2026, khiến liên minh dầu mỏ không có không gian để nới lỏng biện pháp cắt giảm sản lượng,” các nhà phân tích HSBC lưu ý.
Kỳ vọng duy nhất đối với OPEC+ là việc chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ thực thi mạnh mẽ hơn các lệnh trừng phạt hiện có đối với Iran, điều này có thể làm giảm xuất khẩu dầu của Tehran và tạo cơ hội để các thành viên khác của OPEC+ tăng sản lượng.
“Lập trường thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ hai đối với Trung Quốc và nhu cầu dầu mỏ tăng trưởng yếu trong những tháng gần đay buộc OPEC+ phải gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cho đến quý 1/2025. Động thái này cho thấy rõ ràng rằng OPEC+ đang lo ngại về cả tình trạng dư cung tiềm ẩn và việc các quốc gia thành viên không tuân thủ các mục tiêu sản xuất” - Giám đốc thị trường hàng hóa toàn cầu của Rystad Energy, ông Mukesh Sahdev, nhận định.
Dự báo ảm đạm đối với giá dầu
Bên cạnh áp lực từ nhu cầu nhiên liệu tăng chậm, việc Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết tăng sản lượng “vàng đen” của Mỹ cũng là một thách thức không nhỏ đối với đà phục hồi của giá dầu thế giới.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên từ 2017-2021, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích liên minh OPEC+ vì giữ giá dầu ở mức quá cao và yêu cầu Ả Rập Saudi bơm thêm dầu để ổn định thị trường.
Theo StanChart, tâm lý tiêu cực đã chi phối thị trường dầu mỏ toàn cầu trong những tháng gần đây do các nhà giao dịch thất vọng với hiệu quả từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng tự nguyện của một số nước thành viên OPEC+.
Trong khi đó, Saudi Aramco - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, hôm 8/12 đã thông báo giảm giá bán dầu cho các khách hàng châu Á trong tháng 1/2025 xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021, do nhu cầu tiêu thụ từ Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, giảm mạnh.
Kết quả cuộc khảo sát mới nhất từ Công ty luật Haynes Boone LLC đã tiết lộ rằng các ngân hàng trên thế giới nhận định, giá dầu có thể giảm xuống dưới 60 USD/ thùng vào giữa nhiệm kỳ mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Theo tờ Bloomberg, cuộc khảo sát của 26 lãnh đạo ngân hàng trên thế giới cho thấy giá dầu WTI được dự báo sẽ giảm xuống còn 58,62 USD/thùng vào năm 2027, thấp hơn khoảng 10 USD so với mức giá hiện tại.