OPEC+ tiếp tục siết nguồn cung do lo ngại chính sách áp trần giá dầu Nga?

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn một nửa số doanh nhân và nhà phân tích được Bloomberg khảo sát tuần này dự đoán OPEC+ sẽ cắt giảm thêm từ 250.000 đến 2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong cuộc họp chính sách vào đầu tuần tới

OPEC+ được dự báo sẽ tiếp tục giảm sản lượng trong cuộc họp chính sách vào ngày 4/12 tới. Ảnh: Reuters.
OPEC+ được dự báo sẽ tiếp tục giảm sản lượng trong cuộc họp chính sách vào ngày 4/12 tới. Ảnh: Reuters.

Bloomberg trích lời các đại diện Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, cho biết một trong các lựa chọn hàng đầu của liên minh này vẫn là tiếp tục cắt giảm sản lượng trong bối cảnh nhu cầu về nhiên liệu đang chịu nhiều sức ép trong tăng trưởng. Khảo sát mới nhất của Bloomberg với các nhà phân tích và chuyên viên giao dịch cho thấy phần lớn dự báo OPEC+ sẽ công bố đợt cắt giảm mới, với khoảng 250.000 - 2 triệu thùng mỗi ngày. Nguồn tin của Reuters cũng tiết lộ liên minh OPEC+ có thể tiếp tục giảm nguồn cung ra thị trường để hỗ trợ giá dầu.

Trong một báo cáo mới được công bố, các nhà phân tích của Eurasia Group cho rằng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc suy yếu có thể khiến nhóm OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong cuộc họp chính sách vào ngày 4/12 tới. “Quyết định về sản lượng sẽ tùy thuộc vào diễn biến giá dầu tại thời điểm diễn ra cuộc họp của OPEC+ và mức độ hỗn loạn của thị trường sau khi châu Âu chính thức cấm vận dầu của Nga” -  các nhà phân tích của Eurasia cho hay.

"OPEC+ có lẽ sẽ phải chọn giữa việc gia hạn chính sách cắt giảm nguồn cung hiện tại, hoặc thậm chí tiếp tục giảm mạnh sản lượng. Họ luôn rất thận trọng về vấn đề cung cầu" - nhà phân tích dầu mỏ Amrita Sen tại hãng tư vấn Energy Aspects cho hay.

Cũng  đưa ra dự báo tương tự, ngân hàng Mỹ Goldman Sachs hôm 29/11 cho rằng nhiều khả năng OPEC+ sẽ có thêm biện pháp để ngăn đà trượt dốc gần đây của giá dầu và cân bằng cung cầu trên thị trường.

Trong khi đó, Ả Rập Saudi, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC, cũng đã gửi đến thị trường tín hiệu khá rõ ràng trước cuộc họp này. Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Abdulaziz bin Salman tuyên bố OPEC+ "sẵn sàng can thiệp" bằng việc cắt giảm thêm sản xuất nếu cần "cân bằng cung cầu".

Hồi tháng 10 vừa qua, Ả Rập Saudi và các đồng minh đã khiến thế giới bất ngờ khi thông báo cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Dù vậy, giá dầu Brent vẫn tiếp tục giảm mạnh, có thời điểm rơi xuống ngưỡng 80 USD/thùng. Tính chung trong tháng 11, giá dầu Brent giảm gần 10%, còn giá dầu WTI giảm khoảng 8,8%, theo dữ liệu từ TradingView. Giá dầu lao dốc thời gian gần đây chủ yếu do lo ngại về nhu cầu tiêu thụ năng lượng giữa lúc nền kinh tế toàn cầu đứng trước nguy cơ suy thoái vì chính sách thắt chặt tiền tệ.

Cuộc họp chính sách sắp tới của OPEC+ sẽ diễn ra vào ngày 4/12, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại lạm phát, nhu cầu dầu thô của Trung Quốc yếu đi vì chính sách Zero-Covid và tác động tiềm tàng của biện pháp áp trần giá với dầu mỏ Nga.

Trước đó, hồi đầu tháng 10, Liên minh châu Âu (EU) đã tung ra gói trừng phạt thứ 8 chống Nga, trong đó bao gồm cơ sở pháp lý để thiết lập giới hạn cho giá dầu của Nga qua đường biển đến các nước thứ ba.

Dự kiến biện pháp hạn chế này sẽ có hiệu lực vào ngày 5/12 đối với dầu và ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm hóa dầu. Một ngày sau phiên họp của OPEC+, lệnh cấm nhập dầu Nga bằng đường biển của EU cũng chính thức có hiệu lực.

Ông Fatih Birol, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 29/11  dự báo đến cuối quý I/2023, sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, gồm lệnh cấm vận của EU và áp trần giá của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần