Ngày 15/3, Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của các quan chức Mỹ rằng Nga đã tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự ở Ukraine và cáo buộc Washington phát tán "thông tin sai lệch" có nguy cơ làm leo thang cuộc xung đột.
Phát biểu với hãng tin Reuters, Đại sứ quán Trung Quốc tại London khẳng định rằng Trung Quốc đã và đang đóng góp vai trò xây dựng trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine. "Ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong thời điểm hiện tại là nỗ lực thúc đẩy giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, tránh leo thang căng thẳng hơn nữa."
Trước đó, hôm 14/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố việc truyền thông Mỹ đưa tin Nga đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ quân sự để tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine là thông tin sai lệch.
Cũng trong ngày 14/3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng bác bỏ cáo buộc rằng Nga yêu cầu viện trợ quân sự từ Trung Quốc.
Trước đó, một số quan chức Mỹ nói rằng Nga đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự sau khi tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2, làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể làm suy yếu các nỗ lực trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết tại cuộc họp báo hôm 14/3 rằng: “Chúng tôi đã thông báo rất rõ ràng với Bắc Kinh rằng chúng tôi sẽ không cho phép Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới giúp Nga “né” các biện pháp trừng phạt”.
Phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2.
Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov ngày 13/3 nói rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga, RT đưa tin. Ông Siluanov cũng cảnh báo về áp lực mà phương Tây đối với Trung Quốc trong việc hạn chế quan hệ thương mại Trung-Nga nhằm ngăn cản Moscow tiếp cận nguồn dự trữ quốc gia bằng đồng Nhân dân tệ.
Bộ trưởng Siluanov khẳng định rằng Nga sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nợ quốc gia và sẽ thanh toán bằng đồng rúp cho các chủ nợ trong khi chờ dự trữ quốc gia được dỡ bỏ phong tỏa.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 15/3, Bộ Tài chính Nhật thông báo nước này quyết định phong tỏa tài sản của 17 cá nhân người Nga nữa. Theo đó, 11 thành viên của Duma (Hạ viện) Nga, 5 người thân của ông chủ ngân hàng Yuri Kovalchuk, cùng với tỷ phú Viktor Vekselberg sẽ bị trừng phạt.
Trong khi đó, Reuters đưa tin Liên minh châu Âu (EU) hôm 14/3 đã công bố gói trừng phạt thứ tư nhằm vào các nhà tài phiệt mới của Nga, trong đó có tỷ phú Roman Abramovich, chủ sở hữu câu lạc bộ bóng đá Anh Chelsea, để trả đũa việc Nga đưa quân vào Ukraine. Ngoài ông Abramovich, EU sẽ bổ sung 14 tỷ phú Nga khác vào danh sách đen.
Gói trừng phạt thứ tư cũng bao gồm kế hoạch cấm nhập khẩu “các mặt hàng thiết yếu trong lĩnh vực sắt thép,” một lệnh cấm xuất khẩu hàng hóa xa xỉ và một lệnh cấm về đầu tư vào các công ty dầu mỏ và lĩnh vực năng lượng.