Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phiên bán tháo mạnh nhấn chìm chứng khoán Mỹ, Dow Jones “bay” hơn 1.100 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ lao dốc trong ngày 18/5, với Dow Jones chứng kiến phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020 do nhà đầu tư xả mạnh cổ phiếu trước lo ngại về lạm phát.

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nhuộm sắc đỏ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư sau khi các hãng bán lẻ lớn cảnh báo áp lực tăng giá. Lời cảnh báo này làm gia tăng thêm nỗi quan ngại lớn nhất của nhà đầu tư về lạm phát gia tăng, dẫn tới lặp lại đà bán tháo dữ dội từ đầu năm tưởng như đã ngớt trong ba phiên trước đó.

Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 1.100 điểm khi đóng cửa phiên ngày 18/5. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 1.100 điểm khi đóng cửa phiên ngày 18/5. Ảnh: CNBC

Chốt phiên giao dịch ngày 18/5, chỉ số Dow Jones lao dốc 1.164,52 điểm, tương đương 3,57%, xuống còn 31.490,07 điểm, ghi nhân phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 6/2020. Đây cũng là mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số này kể từ tháng 3/2021.

Chỉ số S&P 500 sụt 4,04%, về mức 3.923,68 điểm, cũng là phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2020. Chỉ số Nasdaq Composite mất 4.73% còn 11,418.15 điểm, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 5/5. Đợt bán tháo diễn ra trên diện rộng và dữ dội trên thị trường chứng khoán Mỹ với chỉ có 8 mã thuộc S&P 500chốt phiên sắc xanh.

Thị trường Phố Wall quay trở lại với đợt bán tháo sau khi báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2022 từ hai hãng bán lẻ khổng lồ Target và Walmart khiến nhà đầu tư lo ngại về việc lạm phát gia tăng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp và nhu cầu tiêu dùng. Phiên giao dịch ngày thứ Tư là phiên thứ 5 trong năm nay Dow Jones giảm hơn 800 điểm, và tất cả các phiên này đều xảy ra khi bán tháo lan rộng trên sàn Phố Wall trong vòng 1 tháng trở lại đây.

“Người tiêu dùng đang chịu sức ép từ đà tăng chóng mặt của giá hàng hóa” - Giám đốc đầu tư Megan Horneman của Verdence Capital Advisors nhận xét. “Từ cuối năm ngoái, chúng tôi đã nhận thấy người tiêu dùng chuyển sang dùng thẻ tín dụng để chi trả tiền mua thực phẩm và mua xăng khi giá những mặt hàng này liên tục tăng. Tình hình đang ngày càng tệ hơn và ảnh hưởng xấu đến những hãng bán lẻ lớn như Walmart”.

Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, cổ phiếu Target mất 24,9% sau khi hãng bán lẻ này công bố lợi nhuận quý I thấp hơn nhiều so với dự báo do chi phí năng lượng và tiền lương tăng. Hãng này cũng báo cáo doanh thu thấp hơn dự báo ở những hàng hóa không phải là hàng tiêu dùng thiết yếu như TV.

Trước đó, trong phiên ngày 17/5, tập đoàn bán lẻ Walmart cũng công bố lợi nhuận kém khả quan do chi phí năng lượng và nhân công tăng. Cổ phiếu Walmart đã sụt 11% trong phiên ngày thứ Ba và tiếp tục giảm 6,8% trong phiên ngày thứ Tư.

Nhà sáng lập Kim Forrest của Bokeh Capital lưu ý trên kênh CNBC: “Rõ ràng là chi phí vận chuyển đang là vấn đề lớn và tác động đến một số công ty thuộc hàng lớn nhất. Vì vậy, tôi cho rằng nhà đầu tư đang đặt câu hỏi những doanh nghiệp nào tiếp theo sẽ chịu ảnh hưởng tương tự. Kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp bán lẻ phản ánh rõ những gì đang xảy ra với lĩnh vực tiêu dùng”.

Các công ty bán lẻ khác cũng bị ảnh hưởng bởi kết quả lợi nhuận quý I không đạt kỳ vọng của Target. Cổ phiếu của quỹ SPDR S&P Retail ETF sụt 8,3%; cổ phiếu Amazon mất 7,2% và cổ phiếu Best Buy giảm 10,5%.

“Bất kỳ công ty nào dựa vào tiêu dùng của hộ gia đình và doanh thu từ các mặt hàng không thiết yếu cũng đều có thể chịu tác động tiêu cực trong quý này, vì nhiều phần thu nhập khả dụng sẽ được chuyển sang để mua thực phẩm và năng lượng,” nhà sáng lập Jack Ablin của Cresset Capital đánh giá.

Thị trường chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây chịu áp lực bán tháo mạnh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết tâm thắt chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Việc FED mạnh tay nâng lãi suất đã làm gia tăng lo ngại về kinh tế Mỹ suy thoái.

Trong cuộc trao đổi với CNBC hôm 18/5, nhà đầu tư nổi tiếng Jeremy Grantham cảnh báo rằng đợt giảm này của thị trường tệ hơn cả bong bóng công nghệ hồi thập niên 2000.

Ông Grantham cho rằng thị trường có thể sẽ còn giảm sâu gấp đôi, gấp ba lần hiện nay. “Tôi cho rằng trong kịch bản xấu nhất, điều đó rất có khả năng trở thành hiện thực. Và xu hướng đi xuống này có thể kéo dài trong khoảng 2 năm như hồi những năm 2000,” ông Grantham cho hay.

Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm dưới mốc 2,9% sau khi vượt mức 3% trong phiên trước đó, khi nhà đầu tư quay trở lại mua trái phiếu để tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn.

Chỉ số Dow Jones đã giảm 7 tuần liên tiếp. Tuần trước, S&P 500 tiến sát mức “thị trường gấu” (thị trường đầu cơ giá xuống) - trạng thái được định nghĩa bằng mức giảm 20% so với đỉnh gần nhất.