Theo đài RT, phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow không từ bỏ đàm phán với Kiev.
Ngoại trưởng Lavrov cáo buộc chính quyền Ukraine cản trở các cuộc đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện tại. Ông nhắc nhở mọi người rằng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành một sắc lệnh vào tháng 10/2022, trong đó ông tuyên bố “không thể tiến hành đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin”.
Ông Lavrov cũng chỉ trích Mỹ và các đồng minh đã công khai can thiệp vào các vấn đề của Ukraine và gây ra cuộc khủng hoảng ở quốc gia này.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, chính quyền Kiev không thể đại diện cho người dân ở Crimea và vùng Donbass. Chính vì vậy, bằng cách hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine, các nước phương Tây đã vi phạm quyền tự quyết của người dân tại các khu vực này.
Theo Ngoại trưởng Nga, các nước phương Tây đang né tránh một cuộc đối thoại thực chất về nguyên nhân xung đột ở Ukraine vì thiếu lập luận. “Nếu Mỹ quan tâm đến đàm phán hòa bình tại Ukraine, tôi tin rằng sẽ không khó để họ yêu cầu Kiev thu hồi sắc lệnh của ông Zelensky” - ông Lavrov nhấn mạnh.
Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng tuyên bố Nga chưa bao giờ từ chối việc tổ chức các cuộc đàm phán để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine.
"Từ "đàm phán" bắt đầu được đề cập đến thường xuyên hơn để trả lời những câu hỏi liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tổng thống Nga (Vladimir Putin) liên tục đưa ra câu trả lời và làm rõ lập trường của Nga rằng, Moscow chưa bao giờ từ chối ý tưởng về các cuộc đàm phán như vậy, nhưng hiện tại không có điều kiện tiên quyết nào để nối lại đàm phán,” người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm 20/9.
Ông Peskov chỉ ra rằng đó là lý do Nga "tiếp tục đạt được các mục tiêu của mình bằng cách sử dụng các phương tiện sẵn có, cụ thể là chiến dịch quân sự đặc biệt".
Điện Kremlin hồi tuần trước tuyên bố các cuộc hòa đàm giữa Nga và Ukraine chỉ có thể nối lại khi Kiev thay đổi lập trường và tạo những điều kiện cần thiết cho đàm phán.
Nga phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko ngày 20/9 cho biết, Moscow phản đối quyết định của Anh về việc cung cấp hàng chục nghìn quả đạn pháo cho Ukraine.
"Chúng tôi lên án những tuyên bố này (từ Anh). Từ quan điểm quân sự, điều này sẽ không giúp thay đổi tình hình tại các chiến trường trong cuộc chiến ủy nhiệm mà các nước phương Tây đã phát động để chống lại Nga. Điều đó chứng minh rõ ràng rằng quan điểm của London về vấn đề này là một trong những đường lối khiêu khích và nguy hiểm nhất" - hãng tin Tass dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Grushko.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, quyết định của Anh là minh chứng cho "đường lối của phương Tây nhằm kéo dài cuộc xung đột cho đến người Ukraine cuối cùng".
"Đó là bằng chứng nữa cho thấy phương Tây coi Ukraine là mắt xích có thể sử dụng được trong cuộc chiến phối hợp chống lại Nga. Cuộc chiến này bao trùm mọi lĩnh vực từ tài chính, kinh tế, tư tưởng và thậm chí cả tư pháp, và theo đuổi mục tiêu nhằm gây ra thất bại chiến lược cho Nga" - quan chức Nga cho hay.
Xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn, chưa có hồi kết, hai bên vẫn tiến hành các đòn đáp trả lẫn nhau thời gian gần đây. Nhiều đề xuất hoà bình cho xung đột đã được đưa ra, song chưa mang lại kết quả do khác biệt về quan điểm giữa Moscow và Kiev.
Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi họ đạt được mục tiêu đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ.
Kiev nhấn mạnh, "công thức hòa bình" 10 điểm do ông Zelensky đưa ra là giải pháp công bằng duy nhất để chấm dứt cuộc xung đột hiện nay. Theo công thức này, Ukraine đề nghị Nga phải rút hết quân, bồi thường thiệt hại và đối mặt với tòa án quốc tế.
Tuy nhiên, giới chức Nga cho rằng, những yêu cầu của Kiev xa rời thực tế. Moscow nói rằng, Kiev cần phải thừa nhận "thực tế mới về lãnh thổ", nghĩa là thừa nhận việc Crimea và 4 tỉnh gồm Donetsk, Lugansk, Kherson, Zaporizhia đã sáp nhập vào Nga.
Trong khi đó, phương Tây liên tục bơm vũ khí cho Ukraine đối đầu Nga. Moscow cho rằng, quyết định của Mỹ và các nước NATO cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine khiến cho đàm phán giữa Nga và Ukraine trở nên “vô nghĩa”.
Nga nhiều lần cáo buộc Mỹ và đồng minh tìm cách cố tình kéo dài cuộc xung đột, cảnh báo phương Tây không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời nhấn mạnh điều này sẽ chỉ làm leo thang xung đột và gây thương vong không đáng có mà không thay đổi được cục diện chiến sự.