Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTT&DL) Ninh Thu Hương |
Nhằm tìm biện pháp tăng cường quản lý hoạt động này ở khâu thực thi pháp luật, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở thuộc Bộ VHTT&DL (đơn vị quản lý chuyên ngành về lĩnh vực quảng cáo) Ninh Thị Thu Hương, để làm rõ hơn các vấn đề trên.
Thay đổi ý thức cần có thời gian
Luật Quảng cáo năm 2012 đã quy định rất rõ về tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo, theo đó trong các sản phẩm này phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Thế nhưng, thực tế việc chấn chỉnh biển, bảng quảng cáo tiếng nước ngoài ở các đô thị lớn vẫn rất khó khăn. Theo bà, đâu là nguyên nhân?
- Qua quá trình kiểm tra, theo dõi và báo cáo của các địa phương, việc khó khăn trong chấn chỉnh chữ viết nước ngoài trên bảng quảng cáo, biển hiệu bởi các lý do sau: Một số thương hiệu của nước ngoài được bảo hộ và đăng ký tại Việt Nam không chỉ tên thương hiệu mà còn nhiều nội dung khác kèm theo. Do vậy, khi sử dụng sẽ khiến người tiếp nhận hiểu nhầm là không sử dụng tiếng Việt trên bảng quảng cáo.
Tuy nhiên, đây là những trường hợp được phép thực hiện theo quy định của Luật Quảng cáo. Chủ cơ sở kinh doanh thường thay đổi thường xuyên nên không nắm rõ các quy định của pháp luật, không tham gia khi được mời các chương trình tập huấn; khi chuyển cơ sở không tháo dỡ bảng quảng cáo, biển hiệu; vắng mặt khi kiểm tra và xử lý.
Biển hiệu tiếng Hàn tràn ngập trên phố Nguyễn Thị Định khiến nhiều người nhầm tưởng đang ở Hàn Quốc. Ảnh: Ngọc Tú |
Công tác phối hợp giữa Sở VHTT&DL (Sở VH&TT), chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan chưa thường xuyên, liên tục. Lực lượng cán bộ thanh tra tại các địa phương còn mỏng, phương tiện, cơ sở vật chất còn thiếu nên khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Nha Trang từng có các con phố tràn biển tiếng Nga, tiếng Trung. Trong khi các tuyến phố Nguyễn Thị Định, Linh Lang, Kim Mã… của Hà Nội cũng từng được gọi là phố của người Hàn, người Nhật vì chỉ thấy biển hiệu dùng ngôn ngữ những nước này. Bà có thể cho biết giải pháp nào để giải quyết triệt để những tuyến phố Tây giữa lòng TP của người Việt?
- Năm 2018, Cục Văn hóa Cơ sở đã có đợt kiểm tra về biển hiệu có sử dụng chữ viết nước ngoài tại một số tỉnh, TP du lịch. Qua quá trình kiểm tra cho thấy các địa phương đã rất quyết tâm trong việc chấn chỉnh biển hiệu và mang lại kết quả tích cực. Tại các địa phương, một mặt tăng cường phối hợp giữa Sở VHTT&DL (Sở VH&TT) với các cấp chính quyền trong việc ra quân tháo dỡ, xử lý; một mặt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện đúng quy định về tiếng nói, chữ viết trên biển hiệu, thể hiện sự tôn trọng văn hóa, chủ quyền của dân tộc.
Tuy nhiên, việc này cần phải có thời gian vì ý thức của người thực hiện quảng cáo cũng không thể thay đổi ngay lập tức. Các biện pháp xử lý cũng cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của nhiều cơ quan quản lý, chính quyền các cấp và nguồn lực xã hội.
Cần thiết có những tuyến phố quảng cáo kiểu mẫu
Hiện nay, nhiều đơn vị trong quá trình xây dựng tuyến phố kiểu mẫu nhưng vẫn tập trung vào kích thước, màu sắc biển hiệu, chưa lấy tiêu chí nội dung, đặc biệt là việc sử dụng biển bảng quảng cáo tiếng Việt làm trọng tâm. Bà nghĩ thế nào về việc nên hay không nên xây dựng các tuyến phố quảng cáo kiểu mẫu?
- Việc thực hiện tuyến phố kiểu mẫu là cần thiết trong việc lập lại cảnh quan, mỹ quan đô thị hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo cân đối giữa thực hiện quy định của pháp luật và sự hài hòa, thẩm mỹ, sinh động thì việc tập trung vào màu sắc biển hiệu là cần thiết. Tuyến phố kiểu mẫu phải quan tâm cả về kích thước và nội dung biển hiệu, đặc biệt là quy định về sử dụng tiếng Việt thực hiện theo quy định của pháp luật về quảng cáo.
Không chỉ có biển, bảng quảng cáo, mà rất nhiều khu đô thị, tòa nhà cao tầng mang tên nước ngoài. Bộ VHTT&DL có vai trò gì trong quá trình cấp phép, thể hiện tên gọi của các công trình trên?
- Theo quy định tại điểm 2.1.1.4 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời ban hành theo Thông tư số 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Bộ Xây dựng thì việc lắp đặt tên khu đô thị, tòa nhà cao tầng là phương tiện quảng cáo dạng chữ, biểu tượng.
Theo đó, phương tiện quảng cáo này không áp dụng quy định về che lấp nóc nhà như bảng quảng cáo. Việc thể hiện tên gọi nước ngoài là được phép vì đây là tên riêng đã được loại trừ theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 18 Luật Quảng cáo. Việc đăng ký tên gọi của Dự án hay tên DN không thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ VHTT&DL.
Trong thời gian tới, Bộ VHTT&DL sẽ có các động thái nào để tham mưu cho Chính phủ ra các quy định chặt chẽ hơn nhằm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong nội dung thể hiện của biển, bảng quảng cáo?
- Có thể nói, hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo hiện nay đã tương đối hoàn thiện, là công cụ để quản lý hiệu quả hoạt động này. Do đó, việc tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo giai đoạn hiện nay không nằm ở khâu ban hành văn bản mà ở khâu thực thi pháp luật. Thời gian tới, để đảm bảo giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong quảng cáo, Bộ VHTT&DL tiếp tục triển khai các công việc sau: Rà soát, tổng hợp việc thực thi các quy định pháp luật về quảng cáo từ T.Ư đến địa phương.
Theo dõi hoạt động này trên các phương tiện quảng cáo, xem xét, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo trong việc thực hiện quy định của pháp luật.
Đặc biệt là việc thể hiện tiếng nói, chữ viết trên biển hiệu, bảng quảng cáo. Đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý các phương tiện quảng cáo ngoài trời trên địa bàn. Đề nghị Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trong hoạt động quảng cáo trong các ngành, lĩnh vực; nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng DN trong hoạt động quảng cáo.
Xin cảm ơn bà!