Quốc gia EU tự tin thay thế Nga cung cấp khí đốt cho châu Âu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khí đốt từ Nga đang chiếm tỷ lệ ngày càng giảm trong nguồn cung năng lượng của EU kể từ khi khối này áp đặt lệnh trừng phạt chống Moscow liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

Tổng thống Síp Nikos Christodoulidis. Ảnh: Reuters
Tổng thống Síp Nikos Christodoulidis. Ảnh: Reuters

Theo RT, Tổng thống Síp Nikos Christodoulidis vừa đề xuất Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khí đốt tự nhiên từ phía đông Địa Trung Hải để thay thế cho nguồn cung khí đốt Nga.

Khí đốt từ Nga đang chiếm tỷ lệ ngày càng giảm trong nguồn cung năng lượng của EU kể từ khi khối này áp đặt các lệnh trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Trong cuộc phỏng vấn tuần này, Tổng thống Síp khẳng định, khu vực đông Địa Trung Hải có thể đáp ứng khoảng 15%-16% nhu cầu khí đốt của EU trong 25 năm tới.

Nhà lãnh đạo Síp nhấn mạnh: “Điểm yếu lớn nhất của châu Âu hiện tại là sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Riêng phía đông Địa Trung Hải chắc chắn không thể thay thế hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga, song chắc chắn nguồn cung năng lượng tại khu vực này có thể giúp giảm thiểu sự phụ thuộc của EU".

Tổng thống Christodoulidis lưu ý, EU đã đầu tư vào khu vực và “chúng tôi trông đợi nhiều hỗ trợ kỹ thuật và tài chính hơn... để chúng ta có thể khai thác tiềm năng của khu vực".

Sau vụ phá hoại tuyến đường ống Nord Stream của Nga vào tháng 9 năm ngoái, tuyến đường vận chuyển qua lãnh thổ Ukraine hiện là tuyến duy nhất để cung cấp khí đốt Nga cho các quốc gia Tây và Trung Âu. Nga cũng cung cấp năng lượng cho khu vực nam và đông nam châu Âu thông qua đường ống khí đốt TurkStream và Blue Stream.

Đầu tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, xuất khẩu khí đốt Nga sang châu Âu giảm 80% trong vòng 8 tháng gần đây và khu vực hiện phụ thuộc vào các mỏ khí đốt của Na Uy cũng như nguồn nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Phát biểu của Tổng thống Christodoulidis được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Síp bị chỉ trích liên quan tới Nga. Có 13 tổ chức và cá nhân của Síp bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ và Vương quốc Anh vì bị cáo buộc phục vụ các doanh nhân Nga trong diện bị trừng phạt. Trong khi đó, Ngân hàng Síp - Ngân hàng cho vay lớn nhất của quốc đảo, gần đây thông báo sẽ đóng khoảng 10.000 tài khoản của 4.000 bên gửi tiền người Nga.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần