70 năm giải phóng Thủ đô

Quốc gia nào đủ mạnh để thay thế Trung Quốc?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Được biết đến là nước tiêu thụ dầu lớn nhất, việc Trung Quốc giảm nguồn cầu có khiến thế giới chao đảo?

Nhu cầu sử dụng dầu của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt đỉnh trong vòng 3 đến 5 năm tới, điều này khiến thế giới lo ngại về nguồn cầu bấp bênh khi nền kinh tế số hai thế giới không còn là nhà tiêu thụ lớn nhất.  

Nhà máy lọc dầu Cửu Giang của Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc. Ảnh: CNBC
Nhà máy lọc dầu Cửu Giang của Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc. Ảnh: CNBC

“Trong 20 năm qua, thị trường dầu mỏ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Trung Quốc. Tuy nhiên mọi chuyện sắp kết thúc” - Chủ tịch Fereidun Fesharaki của Facts Global Energy cho biết tại một hội nghị năng lượng gần đây.

Tương tự, công ty Wood Mackenzie dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2027 và sẽ giảm dần sau đó.

Lý giải điều này, Shiqing Xia, chuyên gia tư vấn về dầu và hóa chất tại Wood Mackenzie cho rằng do Trung Quốc tích cực theo đuổi quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Để cân bằng cung-cầu, giới phân tích đang tìm kiếm ứng viên thay thế nền kinh tế số hai thế giới. Ông Fesharaki cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực tìm kiếm các quốc gia có nhu cầu lớn về dầu như Ấn Độ hoặc một số cường quốc khác để giúp đảm bảo nguồn cầu về lâu dài”.

Giống như Fesharaki, Xia kỳ vọng Ấn Độ sẽ bù đắp được lượng cầu thiếu hụt khi nhu cầu dầu thô của Trung Quốc đạt đỉnh.

Vị chuyên gia này tự tin Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ lớn nhất vào cuối thập kỷ này.

Bà Xia nói thêm: “Khác với Trung Quốc, tổng cầu dầu ở Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác ở Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng cho đến đầu năm 2040. Trong hai thập kỷ tới, động lực tăng trưởng của châu Á sẽ là Ấn Độ và Đông Nam Á”.

Nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng 7,8% trong quý cuối của tháng 6/2023, đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất trong một năm. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng đất nước này sẽ vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), than vẫn là chủ đạo trong cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, chiếm 55%. Dầu mỏ và một số nhiên liệu khác chiếm 19%.

Vẫn kéo dài thêm một vài thập kỷ?

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng nhu cầu về dầu của Trung Quốc khó có thể đạt đỉnh trong một sớm một chiều mà có thể kéo dài thêm vài năm, thậm chí là hàng thập kỷ.

Giám đốc Nghiên cứu Dầu LSEG ở châu Á, Yaw Yan Chong cho biết: “Trung Quốc phấn đấu mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2060, nên có thể đó là thời điểm mà nhu cầu dầu thô của nước này sẽ giảm”.

Ông nhấn mạnh rằng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu được tinh chế thành dầu diesel và xăng, những nhiên liệu này sẽ được tiêu thụ ít đi do sự bùng nổ của xe điện.